Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục đưa tin về việc bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội (Phòng Cảnh sát kinh tế) ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong đó, đề cập việc bà Vũ Thị Thúy là Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 - Chủ đầu tư của Dự án Tokyo Tower (hiện dự án này đang là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank từ năm 2014).
PVcomBank cho Sông Đà 1.01 vay không quá 600 tỷ đồng
Trước thông tin trên, PVcomBank vừa có thông cáo báo chí khẳng định không liên quan đến hoạt động huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân do Công ty Nhật Nam thực hiện trong thời gian vừa qua, cũng như việc bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty đưa ra “các thông tin sai sự thật” về nhiều dự án bất động sản trên cả nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong quá trình đó có sử dụng hình ảnh, thông tin về Dự án Tokyo Tower.
Đến nay, PVcombank vẫn là đơn vị quản lý, có quyền và thụ hưởng toàn bộ lợi ích phát sinh từ dự án Tokyo Tower. |
Cụ thể, PVcomBank cho biết, Công ty Sông Đà 1.01 là chủ đầu tư của Dự án VINAFOR (sau đổi tên Dự án Tokyo Tower) tại số 55 đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Tháng 8/2014, Sông Đà 1.01 (với đại diện theo pháp luật là ông Tạ Văn Trung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc) đã ký hợp đồng vay vốn với PVcomBank với tổng số tiền cho vay không quá 600 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm là toàn bộ quyền tài sản của Dự án VINAFOR và các tài sản khác. Trong quá trình triển khai, khoản vay phát sinh nợ quá hạn. Đến tháng 9/2018, PVcomBank đã thu giữ tài sản.
Sau khi thực hiện thu giữ, với vai trò là đơn vị phát hành bảo lãnh, PVcomBank đã tổ chức các buổi làm việc với những người mua nhà thực hiện thanh toán thông qua tài khoản của Công ty Sông Đà 1.01 mở tại PVcomBank theo đúng quy định trong hợp đồng tín dụng để thống nhất các phương án giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
Tháng 02/2021, PVcomBank đã nộp đơn khởi kiện Sông Đà 1.01. Đến ngày 08/4/2021, Tòa án nhân dân quận Hà Đông đã có thông báo thụ lý vụ án và đang tiến hành các thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sông Đà 1.01 không có quyền tái khởi động Dự án Tokyo Tower
Về các phát sinh liên quan đến việc nhận chuyển nhượng cổ phần SJC của bà Vũ Thị Thúy, PVcomBank cho biết năm 2022, ông Tạ Văn Trung (người đại diện theo pháp luật của Sông Đà 1.01) và người liên quan đã tiến hành chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho nhóm cổ đông của bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Nam.
Qua nắm bắt thông tin, PVcomBank được biết nhiều địa phương đã cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam, trong đó có trích dẫn văn bản cảnh báo của Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) về hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty Nhật Nam.
Nhận thấy hoạt động chuyển nhượng trên có thể gây ra những tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của ngân hàng, ngày 11/11/2022 PVcomBank đã gửi văn bản đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đề nghị xem xét tạm dừng giải quyết thủ tục chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông có liên quan với ông Tạ Văn Trung.
Sau khi phát hiện hình ảnh Dự án Tokyo Tower xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng cùng nhiều thông tin sai lệch, được rao bán, chuyển nhượng căn hộ… ngày 20/6/2023, PVcomBank đã có văn bản yêu cầu Công ty Sông Đà 1.01 không được tiến hành sửa chữa, cải tạo các hạng mục khi chưa có văn bản đồng ý của PVcomBank.
PVcomBank cho rằng, với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà 1.01, việc bà Thúy tự ý dùng tài sản của Công ty để huy động vốn cho cá nhân bà Thuý hay bất kỳ cá nhân, pháp nhân nào khác cũng vi phạm quy định tại Luật doanh nghiệp.
Theo đại diện PVcomBank, do Công ty Sông Đà 1.01 vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên từ tháng 9/2018, PVcombank đã tiến hành thu giữ tài sản là dự án Tokyo Tower theo Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
Đến nay, PVcombank vẫn là đơn vị quản lý, có quyền và thụ hưởng toàn bộ lợi ích phát sinh từ dự án Tokyo Tower. Do vậy, công ty Nhật Nam hay cả Sông Đà 1.01 không có quyền dùng dự án này để huy động vốn, khi chưa có sự chấp thuận của ngân hàng.
Ông Mai Xuân Thuần, Giám đốc Khối quản lý và tái cấu trúc tài sản, ngân hàng PVcomBank cho biết, bất kể nhà đầu tư nào bao gồm cả công ty Sông Đà 1.01 và Nhật Nam mà tiến hành huy động vốn, cam kết sử dụng vốn thu được từ dự án để trả lại cho các hoạt động huy động vốn đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Công ty Sông Đà 1.01 không đủ khả năng trả nợ, do vậy không có quyền tái khởi động dự án.
"Hiện tại kể cả công ty Sông Đà 1.01 hay công ty Nhật Nam hay bất kể tổ chức cá nhân nào đều không có quyền chủ động tái khởi động lại dự án. Ngoại trừ việc công ty cổ phần Sông Đà 1.01 có khả năng đủ để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng với số nợ hiện tại lên trên 1.000 tỷ thì ngân hàng mới có điều kiện để thực hiện giải chấp", ông Mai Xuân Thuần nhận định.
Đại diện PVcomBank cũng cho biết, mọi hành vi huy động vốn từ dự án Tokyo Tower của Công ty Bất động sản Nhật Nam là không đúng sự thật, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thời gian qua, ngân hàng đã gửi tới 37 công văn tới các cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan về xử lý nợ với Dự án Tokyo Tower. Ngân hàng sẽ tìm kiếm lựa chọn đối tác, nhà đầu tư phù hợp với năng lực để triển khai Dự án này trong thời gian tới.
Thanh Hồng