Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm đó là khi nào có cổ tức, tái cấu trúc ngân hàng sẽ diễn ra trong bao lâu và bao giờ ngân hàng có kế hoạch niêm yết.
Năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn hai (2016 – 2020) PVcomBank thực hiện Đề án tái cơ cấu được Chính phủ, NHNN phê duyệt. Phương án tái cấu trúc được PVcomBank tập trung vào ba nội dung trọng tâm: tái cấu trúc danh mục tín dụng, danh mục đầu tư; hoàn thiện và nâng cao năng lực quản trị và có kết cấu tài sản an toàn.
2016: lợi nhuận đạt 65,4 tỷ đồng
Về tái cấu trúc danh mục tín dụng, năm 2016, ngân hàng đạt mức tăng trưởng 25% so với năm 2015, thực hiện bán nợ cho VAMC, giá trị đạt 3.468 tỷ đồng. PVcomBank đã thu hồi được 915,7 tỷ đồng từ các khoản vay thuộc đề án; tái cấu trúc 27/81 khoản thuộc danh mục tín dụng với tổng giá trị cơ cấu đạt 5.795 tỷ đồng, tương đương 38,2% giá trị danh mục; thu nợ được 1.229 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/4/2017, giá trị thu nợ luỹ kế đạt 1.890 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2016, số dư đầu tư của Ngân hàng là 5.441 tỷ đồng (hoàn thành 100% theo kế hoạch của đề án). Tổng giá trị cơ cấu trong năm 2016 là 271,17 tỷ đồng, trong đó chuyển nhượng được 253,67 tỷ đồng giá trị đầu tư cổ phiếu OTC và 17,5 tỷ đồng giá trị đầu tư cổ phiếu niêm yết.
Kết thúc năm 2016, PVcomBank đạt lợi nhuận 65,4 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đặt ra. Tổng tài sản của PVcomBank đạt 113.958 tỷ đồng, tăng khoảng 16.000 tỷ đồng so với 31/12/2015. Tổng dư nợ cho vay đạt 49.918 tỷ đồng, tương ứng tăng 24%; Huy động vốn của ngân hàng đạt 87.053 tỷ đồng, tăng 26%.
Đây cũng là năm ghi nhận bước phát triển đột phá của PVcomBank về mạng lưới chi nhánh với 115 điểm giao dịch tại các tỉnh thành trên cả nước.
Tại Đại hội cổ đông, kế hoạch kinh doanh trong năm 2017 được đa số cổ đông thông qua. Theo đó, PVcomBank đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm trước, đạt 87 tỷ đồng.
Doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đạt được của năm 2016 (6.746 tỷ đồng). Ngân hàng chưa có kế hoạch tăng vốn trong năm tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, lãnh đạo PVcomBank cho biết PVcomBank sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục tối ưu hóa và mở rộng mạng lưới tại các địa điểm chính của PVN, nhanh chóng hoàn thiện nền tảng CNTT hiện đại, linh hoạt, nâng cấp chất lượng các kênh thay thế như ATM, Internet Banking, Mobile Banking. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung xây dựng các chương trình kinh doanh riêng biệt, chú trọng hoàn thiện hơn nữa chính sách sản phẩm cho từng phân phúc khách hàng.
![]() |
Ông Trần Quốc Hùng – Phó Cục Trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng TP.Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Thù lao lãnh đạo gần 9,4 tỷ đồng
Dù lợi nhuận năm 2016 thấp nhưng mức thù lao chi trả cho HĐQT và Ban kiểm soát lại tương đối cao, gần 8,6 tỷ đồng. Năm 2017, kế hoạch này tăng lên mức gần 9,4 tỷ đồng. Một số cổ đông cho rằng mức chi trả này không hợp lý.
Ông Nguyễn Đình Lâm – Chủ tịch HĐQT – cho biết mức thu nhập của các thành viên đại diện cho Tập đoàn Dầu khí trước đây ở mức rất thấp, chỉ 28 triệu đồng/tháng. Khi có quy định mới (NĐ 53), mức thu nhập tăng lên 43 triệu đồng/tháng. Hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang nắm giữ 52% vốn, cổ đông chiến lược Morgan Stanley nắm khoảng 6,7%.
Riêng thù lao của các đại diện khác đang ở mức 60-70 triệu đồng/tháng, so với thị trường bằng 3/10-4/10 các ngân hàng khác. Theo ông Lâm, mức này chỉ đủ chi phí sinh hoạt bình thường, ngoài ra còn có các chi phí khác như đi lại, công tác phí…
Bên cạnh đó, nhiều cổ đông cũng quan tâm đến kế hoạch niêm yết và chia cổ tức của PVcomBank. Theo đó, ông Lâm cho biết, do mô hình trước đây là công ty tài chính có nhiều rủi ro nên quá trình tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn nên việc tái cấu trúc vẫn đang được ngân hàng này triển khai.
Vì vậy, ông Lâm cho biết, theo quy định, trong giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng sẽ không được chia cổ tức. Như vậy, với giai đoạn tái cấu trúc giai đoạn 2 là 2016-2020, cổ đông PVcomBank cũng sẽ không nhận được cổ tức.
Liên quan đến kế hoạch niêm yết, ông Lâm cho rằng khi nào ngân hàng tái cơ cấu xong mới tính đến kế hoạch niêm yết. “Ngân hàng cũng muốn sớm ổn định và phát triển để sớm có cổ tức. Dự kiến phải sau năm 2020 mới có thể có kế hoạch niêm yết”, ông Lâm nói.
Đặc biệt, tại đại hội có nội dung liên quan đến nhân sự cao cấp. Đại hội nhất trí miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT chuyên trách đối với ông Nguyễn Hoàng Linh và bầu bổ sung ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng Giám đốc PVcomBank, ông Ngô Ngọc Quang – Phó Tổng Giám đốc PVcomBank giữ chức vụ Thành viên HĐQT chuyên trách nhiệm kỳ 2013 – 2018.
Huyền Anh