Tính đến nay, áp lực trả nợ của Tập đoàn taxi Mai Linh được cho là vẫn còn khá lớn, tổng các khoản nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2015 vẫn lên tới gần 5.200 tỷ (nợ ngắn hạn 2.900 tỷ) trên tổng tài sản 5.800 tỷ đồng. Mặc dù đã hai năm có lãi trở lại nhưng hiện Mai Linh vẫn còn khoản lỗ lũy kế hơn 720 tỷ đồng.
Bài học nhãn tiền của Mai Linh vẫn không ngăn được một “ông lớn” khác trong ngành vận tải phía Nam là Phương Trang vay vốn nhiều tỷ đồng của ngân hàng để đầu tư ồ ạt, nhất là trong mảng bất động sản, để rồi đến nay rơi vào “vũng lầy” nợ nần đến nỗi chủ nợ là Ngân hàng Xây dựng (CB) phải ồn ào lên tiếng, doạ đòi đưa ra toà.
Vết xe đổ
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Xây dựng, đã phải thốt lên: Hiện nay, CB còn có khá nhiều “con nợ” lớn chứ không chỉ riêng gì nhóm Phương Trang. Và theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi phải rốt ráo thực hiện thu hồi nợ này.
Trên thực tế, Phương Trang chỉ là một trong những điển hình mới nhất của một loạt “ông lớn” dính tai tiếng vào chuyện nợ nần quá nhiều. Điều đáng nói, khó khăn trong tình hình tài chính của Phương Trang lại đến từ các dự án bất động sản, trong khi thế mạnh của DN này là từ mảng kinh doanh xe khách, vốn được nhiều người biết đến.
Việc lãi suất ngân hàng tăng cao trong các năm 2009-2012 trong khi thị trường bất động sản đóng băng đã gây khó cho khả năng trả nợ của Phương Trang. Vấn đề đặt ra là kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Phương Trang có thể sẽ bị ảnh hưởng xấu và điều đó sẽ tác động gián tiếp đến khả năng trả nợ.
Trước đây, lãnh đạo của Tập đoàn Mai Linh từng thừa nhận DN thua lỗ là do sai lầm, dùng tiền vay ngắn hạn với lãi suất cao ngất ngưởng để đầu tư dài hạn 5-10 năm, đầu tư tràn lan không tính đến hiệu quả và khả năng thu hồi vốn.
Và liệu lần này, “vết xe đổ” của Mai Linh sẽ lặp lại với Phương Trang? Bởi thực tế, những chiến lược đầu tư sai lầm của hai DN này có nhiều điểm na ná nhau. Chẳng hạn như Mai Linh, trong vài năm trước với số đầu xe liên tục tăng, đứng đầu cả nước, đẻ ra hàng chục công ty con, mua hàng loạt các bất động sản nhưng rốt cuộc lao đao vì nợ nần chồng chất.
Phương Trang cũng không khác gì Mai Linh, đã bị cuốn vào đầu tư dự án bất động sản trải rộng từ Nam chí Bắc. Khi thị trường đóng băng, hầu hết các dự án bất động sản của Phương Trang bị đình trệ, chuyện nợ nần là khó tránh khỏi.
Chuyện nợ nần không chỉ ở khối tư nhân mà trong khối doanh nghiệp nhà nước cũng sa vào, nhất là trong giai đoạn chứng khoán và bất động sản còn sốt nóng. Điều này đang được giới truyền thông lật lại từ vụ lùm xùm của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) hay vụ Vũ Quang Hải, nguyên Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư Tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI).
![]() |
Kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Phương Trang có thể sẽ bị ảnh hưởng xấu từ vòng xoáy nợ nần.
Bài học nhãn tiền
Sai lầm của PVC dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh là sa lầy vào bất động sản, đặc biệt là có tình trạng đầu tư vốn vào nhiều dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt…
Báo cáo của Ban xây dựng Tập đoàn Dầu khí (PVN) cho biết tại thời điểm kiểm tra, PVC có vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là hơn 9.600 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.100 tỷ đồng, tổng số nợ gốc vay quá hạn tính đến hết năm 2011 là 993 tỷ đồng với lãi vay 4,9 đến 21%/năm.
Đoàn kiểm tra kết luận nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc mất cân đối tài chính của PVC là do sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư tài chính dài hạn trong khi hiệu quả đầu tư tài chính thấp.
Còn tại PVFI, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, các khoản lỗ lớn của PVFI đều có nguồn gốc từ năm 2010 trở về trước, chủ yếu liên quan đến trích lập dự phòng cho các khoản hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết tại hai công ty chứng khoán SMES (khoảng 313 tỷ) và Phố Wall (73 tỷ đồng).
Giới chuyên gia nhận định, do đầu tư tài chính, bất động sản có thể mang lại lợi nhuận rất nhanh và rất lớn trong thời gian ngắn nên nhiều công ty đã đi vay ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư. Nhưng rốt cuộc, vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình lại thiếu trầm trọng.
Chính vì vậy, tình trạng DN đối mặt nợ nần, thua lỗ, mất thanh khoản… do đầu tư dàn trải, phát triển nóng xảy ra không đếm kể.
Và đây cũng chính là bài học nhãn tiền cho các DN lớn hoặc các công ty con núp bóng “ông lớn” nhưng làm ăn chụp giật, không phát triển bằng chính thực lực, sở trường của mình.
Những loại DN kiểu này, nếu không cải thiện cung cách quản trị, tái cấu trúc để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi và hiệu quả nhất thì luẩn quẩn trong vòng xoáy nợ nần là đương nhiên.
Thế Vinh