Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức sáng ngày 19/10. Gs.Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho rằng, DN nhỏ và vừa đang rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng vì quy định về thế chấp tài sản, dù phần lớn nợ xấu chủ yếu là của các DN “đại gia”.
![]() |
Bản thân ngân hàng cũng là DN nên cũng phải có cách để giảm thiểu rủi ro.
Vì vậy, ông Mại cho rằng việc xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV là cần thiết nhưng đáp ứng nhu cầu của DN chưa thì cần bàn.
"Chúng tôi đã làm nghiên cứu, hiện DN nhỏ và vừa tại Việt Nam có 80% là siêu nhỏ, còn lại là vừa. 9 tháng đầu năm, số DN thành lập mới có số vốn chỉ 7,5 tỷ đồng/DN, điều này chứng tỏ tiềm lực tài chính DN rất yếu, khó khăn. Nghiên cứu từ năm 2005-2014, chúng tôi thấy tiềm lực của khu vực DN nhỏ ngày càng yếu. Vì sao? Vì chúng ta không nắm được đâu là điểm nghẽn, nên không định hướng, nâng đỡ họ lên", ông Mại nêu.
Theo vị chuyên gia này: Các DN nhỏ đang rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu mặt bằng nhà xưởng… nếu ta không giải được bài toán từ tín dụng ngân hàng, thuế thì khu vực này không lớn được.
Đặc biệt về vấn đề tín dụng, theo ông Mại, DN nhỏ, nhất là DN siêu nhỏ, không có bất động sản để thế chấp hoặc nếu có thì chỉ có thể thế chấp một lần, không đủ để có nguồn vốn.
Vì vậy, “cần mở rộng thế chấp bằng động sản (chứng từ mua bán, các khoản phải thu, phải trả, sở hữu trí tuệ, thương quyền…) đối với DN nhỏ và siêu nhỏ”, ông Nguyễn Mại đề xuất.
Thậm chí ông đã dẫn ý kiến của một chuyên gia tài chính quốc tế đã từng cảnh báo Ngân hàng Nhà nước: “Nếu không cứu DN nhỏ và siêu nhỏ bằng quy định thế chấp động sản thì các DN này không thể lớn lên được”.
Tuy nhiên, phản đối bình luận của Gs. Mại, bà Đặng Thị Điểm - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Bản thân ngân hàng cũng là DN, cũng phải có cách để giảm rủi ro và có quy định riêng.
"Về quan điểm thế chấp bất động sản cho vay vốn là ngân hàng phải có quyền xem xét cho vay làm sao bảo toàn vốn. Không tổ chức cá nhân nào can thiệp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng nên nhận loại tài sản thế chấp nào là quyền của ngân hàng", bà Điểm nói.
Tuy nhiên, Gs. Mại khẳng định: ngân hàng ngoài chức năng của mình còn cần phải chia sẻ rủi ro với DN từng năm một, DN làm ăn thì năm có rủi ro năm lợi nhuận lớn. Về thế chấp, theo kinh nghiệm quốc tế họ đã làm và đó không phải vi phạm quyền tự chủ của các tổ chức tín dụng.
Vấn đề vốn và tín dụng cho các DN nhỏ dường như đốt nóng nghị trường, bởi các ý kiến đều xoáy vào trách nhiệm của các Ngân hàng khi không cho DN vay vốn bằng các tài sản thế chấp từ bất động sản và tài sản hình thành trên bất động sản.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, Luật này không mâu thuẫn với luật Đấu thầu, luật Thuế hay Luật Các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu ngân hàng hiểu đúng, coi DN nhỏ và siêu nhỏ là khách hàng tiềm năng thì sẽ thấy nợ xấu không phải ở DNNVV mà ở DN lớn - ở đại gia. DN nhỏ họ lo thậm chí phải bán nhà để trả nợ nhưng ông lớn gây nợ xấu thì thường "bỏ chạy".
Thứ trưởng Đông cho rằng: "Chúng tôi không bắt ngân hàng làm bằng mọi giá nhưng anh phải có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ cho vay DN nhỏ và vừa không thể giống cho đại gia nghìn tỷ".
Ông Đông nói: "Chúng tôi từ khi đưa ra dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã yêu cầu các ngân hàng thương mại dành tối thiểu 30% vốn cho các DN nhỏ và vừa. Nhưng sau đó, có tranh luận nên rút lại, chỉ khuyến khích. Tuy nhiên, anh có đặc quyền thì cũng phải có trách nhiệm cung ứng vốn cho các DN".
Lê Thuý