Ngày 23/10/2023 tới đây, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex – PG Bank (mã chứng khoán: PGB) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường. Đại hội sẽ kiện toàn nhân sự thuộc hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát, thông qua phương án tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và đổi địa điểm đặt trụ sở chính. Ngoài ra, Đại hội cũng sẽ thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, đại hội này sẽ là dịp để nhóm cổ đông mới chính thức ra mắt. Đây là nhóm cổ đông đã mua lại 119 triệu cổ phần từ tay Petrolimex. Đầu tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức chấp thuận 3 cổ đông pháp nhân này và công nhận là cổ đông lớn của PG Bank (chiếm khoảng 40% vốn điều lệ vủa PG Bank), tương đương với số tiền mà cả 3 công ty này bỏ ra là gần 2.568 tỷ đồng.
ĐHCĐ bất thường ngày 23/10 sẽ bàn về các nội dung thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính của PG Bank |
Cụ thể, 3 cổ đông này gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh (nắm hơn 39,29 triệu cổ phần PG Bank, tương đương 13,099% cổ phần có quyền biểu quyết); CTCP Quốc tế Cường Phát (hơn 40,62 triệu cổ phần, tương đương 13,541%) và CTCP thương mại Vũ Anh Đức (hơn 40 triệu cổ phần PG Bank, tương đương 13,359%).
Đáng chú ý, 3 cổ đông này đều có mối liên quan với Tập đoàn Thành Công của ông Nguyễn Anh Tuấn. Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Cường Phát do ông Nguyễn Văn Mạnh là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Ông Mạnh từng là cổ đông sáng lập của Công ty CP Quốc tế PL, pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group) Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn.
Trong khi đó, cập nhật tới tháng 5/2022, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức do ông Vũ Văn Nhuân làm Chủ tịch HĐQT. Ông Nhuân từng được biết đến với vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH TCHB – đơn vị do Công ty CP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng sáng lập và sở hữu 100% vốn. Việt Hưng là một thành viên của Tập đoàn Thành Công, được thành lập bởi Công ty CP Tập đoàn Thành Công (60%), Công ty CP Huyndai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ. Ông Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.
Theo ghi nhận của VnBusiness, tháng 4/2023 là thời điểm mà cả 3 pháp nhân kể trên tiến hành tăng vốn mạnh mẽ. Cụ thể, vào ngày 20/4, Công ty CP Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng. Tới ngày 28/4, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức cũng tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Cũng trong ngày 28/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Tổng vốn góp tăng lên của 3 doanh nghiệp này là 2.577 tỷ đồng, nhiều hơn số tiền 2.568 tỷ đồng được chi ra để mua vào gần 40% sở hữu tại PGBank.
Trước đó, Tập đoàn Thành Công từng sở hữu lượng đáng kể cổ phần của Eximbank. Tập đoàn từng đưa bà Lê Hồng Anh, vợ chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn vào HĐQT nhà băng này. Ngoài ra còn có thêm ông Đào Phong Trúc Đại là Tổng giám đốc Khu công nghiệp Việt Hưng.
Đầu năm nay, hai đại diện từ Tập đoàn Thành Công đã rút vốn hoàn toàn khỏi HĐQT Eximbank. Việc thoái vốn khỏi Eximbank diễn ra chưa đầy một năm sau khi ngân hàng này ổn định thượng tầng.
Sau thời điểm, Petrolimex thoái vốn, PG Bank cũng chứng kiến sự thay đổi trong cơ cấu thượng tầng. Cụ thể, tháng 7/2023, ông Nguyễn Phi Hùng, Tổng Giám đốc PGBank được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PG Bank, thay cho ông Oliver Schwarzhaupt, người trước đó cũng có đơn xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Tuy nhiên, ngày 2/10, ông Hùng đã gửi đơn từ nhiệm, đồng thời cũng xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT. Dự kiến đơn từ nhiệm của ông Hùng sẽ được thông qua ĐHCĐ bất thường tới đây.
Thanh Hoa