Tập đoàn Đại Dương từng là một trong số những tập đoàn đa ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh khi chỉ với 10 tỷ đồng vốn điều lệ năm 2007 nhưng 3 năm sau đó đã đạt vốn 2.500 tỷ đồng và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011. Đến hết tháng 3/2014, vốn điều lệ của ngân hàng là 4.000 tỷ đồng.
Biến cố mang tên “Hà Văn Thắm”
Ngày 24/10/2014 thông tin ông Hà Văn Thắm bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam do “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, đã làm rung động thị trường tài chính tiền tệ lúc bấy giờ.
Không những vậy, thị trường chứng khoán cũng bị rung lắc, đặc biệt cổ phiếu OGC của Ocean Group liên tục lao dốc. Trong khi đó, Oceanbank rơi vào tâm bão với nhiều khó khăn chồng chất, kết thúc năm 2014, nhà băng này có nợ xấu hơn 14.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần.
Do đó, ngày 6/5/2015 Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng TNHH một thành viên Đại Dương_do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và được giao cho Ngân hàng Công Thương (VietinBank) hỗ trợ tái cơ cấu. Kết thúc năm tài chính 2015 nợ ngoại bảng của ngân hàng này vẫn ở mức cao, đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
![]() |
Oceanbank có nguy cơ mất trắng hơn 9.048 tỷ đồng
Hiện tại, tính đến ngày 30/8/2017, cổ phiếu OGC của Ocean Group đang được giao dịch trên HoSE với thị giá khoảng 2.270 đồng mỗi cổ phiếu, giảm khá mạnh so với mức đỉnh gần 37.000 đồng mỗi cổ phiếu năm 2010. Với giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn chỉ còn khoảng hơn 825 tỷ đồng và nằm trong diện kiểm soát đặc biệt từ 21/4/2017 do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2016 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết năm 2016 âm.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Chủ tịch OGC – ông_Lê Quang Thụ cho biết sau biến cố với ông Hà Văn Thắm, Ocean Group đã “đâm thẳng vào tâm bão” với vô vàn khó khăn mà một trong số đó là việc hàng loạt nhân sự, từ Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng, đến nhân viên… xin nghỉ việc.
“Gồng mình” vượt bão
Trong suốt 2 năm qua, thay vì tập trung khôi phục hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo công ty gần như dành phần lớn thời gian để bán đi những tài sản có thể bán được cũng như đánh giá khả năng thu hồi của các khoản công nợ. Chẳng hạn như: Ocean Mart, Khu đất vành khăn, khách sạn Dầu khí Phương Đông…
Nhờ đó, năm 2016, Oceanbank đã có những kết quả kinh doanh khả quan, trong đó đáng chú ý là sự tăng trưởng tiền gửi khách hàng cá nhân. Dư nợ cho vay khách hàng ghi nhận sự chuyển biến tích cực của mảng cho vay khách hàng cá nhân tăng 1.907 tỷ đồng so với năm 2015.
Tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 khá nhiều thông tin tích cực đã đến với ngân hàng này như: hoạt động cho vay bán lẻ có kết quả cao nhất, đạt 85% kế hoạch năm. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đã có sự tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2017, OceanBank tiếp tục kinh doanh có lãi.
Đặc biệt, mới đây, trao đổi với báo chí, Ông Bùi Huy Thọ – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho biết, hiện nay Oceanbank đã được một nhà đầu tư nước ngoài mua lại và đang thực hiện ở giai đoạn 2 – đánh giá lại toàn diện hoạt động của ngân hàng này.
Dẫu sắp có chủ mới, nhưng Oceanbank vẫn tích cực xử lý nợ xấu và cố gắng hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Theo đó, mục tiêu Oceanbank đặt ra trong năm 2017, giữ tổng tài sản tương đương năm 2016, tiền gửi khách hàng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay khoảng 17.835 tỷ đồng, lợi nhuận đạt mục tiêu tăng gấp đôi năm 2016.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên cho biết, OceanBank tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ và cho rằng đây là hoạt động quan trọng và ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. Mảng kinh doanh bán lẻ vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong các chỉ tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, OceanBank sẽ triển khai từng bước hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp.
Có thể nói, vụ đại án kinh tế Hà Văn Thắm đang được xét xử, những kẻ vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị. Song chắc chắn với các khoản vay của 8 khách hàng của OceanBank gồm công ty TNHH Bất động sản TNN, CTCP BSC Việt Nam, CTCP Đầu tư và tư vấn tài chính Liên Việt, CTCP Tập đoàn Vina Magastar, CTCP Nam Đinh, CTCP Sân golf Ngôi Sao Chí Linh, CTCP Đầu tư Toàn Việt và CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng và Kinh doanh Nhà với tổng dư nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn)_tính đến ngày 31/3/2016 lên tới 2.652 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 1.785 tỷ đồng và nợ lãi, phạt gần 867 tỷ đồng, nợ khó có khả năng thu hồi là hơn 9.048 tỷ đồng, tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý để định giá, công ty hoạt động thua lỗ hoặc không có nguồn thu, OceanBank xác định khó có khả năng thu hồi.
Do vậy, việc có một nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng “bỏ tiền tươi, thóc thật” để vực dậy nhà băng này là tín hiệu mừng. Hy vọng, thời gian tới, Oceanbank sẽ bước sang “trang mới”.
Huyền Anh