Tín dụng tăng trưởng trở lại từ tháng 8/2023, song đến cuối tháng 9 mới chỉ đạt mức tăng 6,9%, còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay là 14%. Nhiều ngân hàng vẫn đang “thừa tiền”, nên cạnh tranh cho vay ngày càng gay gắt.
Giảm lãi suất vì lo "ứ đọng tiền"
Tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nhân vào chiều 11/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
"Từ đầu năm chỉ kỳ vọng lãi suất cho vay cả năm giảm 1,5%, nhưng mới đến tháng 10 đã giảm mức 1,5%-2%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm”, ông Tú chia sẻ.
Các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu vay vốn sẽ được cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán trong quý IV/2023. |
Động thái giảm lãi suất cho vay không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mà cũng là giải pháp tránh tình trạng “ứ đọng tiền” trong các ngân hàng.
Thu nhập của các ngân hàng chủ yếu từ mảng hoạt động truyền thống là tín dụng. Vì thế, trong bối cảnh dư nợ cho vay tăng chậm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay với lãi suất cạnh tranh.
Hiện nay, với quy định tại Thông tư 06, khách hàng có thể vay ngân hàng này để trả khoản vay trước đó tại một ngân hàng khác, các chuyên gia dự báo cuộc cạnh tranh giành thị phần tín dụng càng được đẩy lên cao. Thực tế đã có những ngân hàng quy mô nhỏ và vừa đưa ra mức lãi suất ưu đãi 5,6%/năm, thậm chí chỉ từ 4,99%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, 3 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank đã triển khai gói lãi suất cho vay từ 5,6%/năm với các khoản vay ngắn hạn. Một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như MB, Techcombank triển khai chương trình cho vay với lãi suất từ 7,3%/năm nhằm thu hút khách hàng “đảo nợ”.
Dự báo cuộc đua giành thị phần tín dụng của các ngân hàng sẽ khiến một bộ phận khách hàng tốt có sự chuyển dịch nơi vay vốn từ nhà băng này sang nhà băng khác.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cho rằng các ngân hàng quốc doanh chiếm 50% thị phần trên thị trường, vì vậy khi các "ông lớn" này giảm lãi suất cho vay sẽ khiến những ngân hàng nhỏ chịu áp lực mất thị phần. Do đó, sẽ tạo thành cuộc đua giảm lãi suất nhằm thu hút khách hàng.
Kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm từ 0,26 - 0,35%
Các chuyên gia nhận định từ nay đến cuối năm, cầu tín dụng khó tăng mạnh do nền kinh tế vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản chưa hồi phục. Đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%), các ngân hàng đang “chạy đua” để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm trong 3 tháng cuối.
Lãnh đạo các nhà băng cũng thừa nhận, ngân hàng là ngành cạnh tranh gay gắt, với hàng chục TCTD, nghĩa là có rất nhiều "người bán". Trong bối cảnh ngân hàng đang dư thừa tiền, việc cạnh tranh hút khách hàng sẽ càng khốc liệt hơn.
Trao đổi với VnBusiness, bà Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích: "Ngân hàng hiện nay đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tốt, có khả năng trả nợ, xác định được đúng dòng tiền để mở rộng tín dụng. Bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân với lãi suất nhất định, cộng với chi phí nhất định để cho vay, vì vậy vốn ứ đọng sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng".
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của TCTD trong quý IV/2023 do NHNN thực hiện, tỷ lệ các TCTD nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng “cải thiện” trong quý III/2023 đã thấp hơn so với quý II trước đó, cũng như thấp hơn với kỳ vọng của kỳ điều tra trước.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý IV/2023 do kỳ vọng kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu phục hồi. Trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Chính vì vậy, các ngân hàng đang cạnh tranh hút khách hàng bằng giảm lãi suất cho vay. Các TCTD kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm từ 0,26 - 0,35% trong quý cuối cùng của năm 2023, "kích" nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao, giúp giảm bớt tình trạng "thừa tiền".
Huyền Anh