Mới đây, hội thảo “Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật” đã thu hút hơn 200 đại biểu quốc hội tham dự và không khí hội thảo trở nên “nóng” không kém so với tại nghị trường khi đề cập đến những giải pháp xử lý nợ xấu.
Thu hồi qua tài sản đảm bảo
Phát biểu tại hội thảo, Ts. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết, nợ xấu dù đang là lực cản lớn trong phát triển của các tổ chức tín dụng (TCTD) và nền kinh tế song khó khăn lớn nhất mà các cơ quan Chính phủ và Quốc hội chưa thống nhất được, đó là đưa vấn đề xử lý nợ xấu thành Nghị quyết hay Luật.
Theo NHNN, tính đến hết tháng 1/2017, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu do TCTD tự xử lý là 349,7 tỷ đồng (56,7%), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác. Tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng từ năm 2013 đến tháng 3/2017.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 giảm về 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Trong tổng số nợ xấu được xử lý, hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp, chỉ đạt 17,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý.
Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên? Câu hỏi này đã được đưa ra trong nhiều cuộc họp, tại những cuộc báo cáo, giải trình trước đó, song các nhà quản lý vẫn chưa tìm ra được giải pháp. Tại cuộc hội thảo này, một lần nữa, các quan điểm khác nhau được đưa ra cùng những tranh luận có phần gay gắt.
Ông Kiên cho rằng xử lý nợ xấu cần nhất quán một số quan điểm: không sử dụng ngân sách nhà nước; không thực hiện trái với Hiến pháp; có hiệu lực thi hành ngay và áp dụng nguyên tắc thị trường trong việc xử lý tài sản đảm bảo cũng như không loại trừ trách nhiệm cá nhân vi phạm tạo ra nợ xấu.
Qua góc nhìn của mình, ông Kiên đã đưa ra bốn điểm chính về dự thảo nghị quyết này gồm: dự thảo Nghị quyết có điểm bắt đầu và kết thúc, tránh tâm lý ỷ lại cho các bên liên quan; không phân biệt đối xử theo thành phần sở hữu của các TCTD; giới hạn xử lý nợ xấu; quy trình xử lý tài sản đảm bảo không trái Hiến pháp, không xung đột với Luật khác.Ngay lập tức, phần tranh luận diễn ra gay gắt khi có nhiều ý kiến chưa đồng tình với một số điểm được ông Kiên đưa tra.
![]() |
Tính đến hết tháng 1/2017, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu do TCTD tự xử lý là 349,7 tỷ đồng (56,7%), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác.
Có hành lang pháp lý riêng
Ts. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá: “Trong điểm thứ ba, quy định phạm vi dự thảo Nghị quyết phân khúc xử lý nợ từ ngày 31/12/2016 trở về trước và quyền thu giữ tài sản chia làm hai bước sẽ khiến Nghị quyết mới thành cũ”.
Ông Nghĩa phân tích, hiện nay, những trở ngại pháp lý như thu hồi tài sản đảm bảo, thi hành án, tìm kiếm các nhà đầu tư mới để bổ sung vốn tự có… đang khiến cho quá trình xử lý nợ xấu diễn ra chậm chạp, không hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến sức chống đỡ rủi ro của các ngân hàng thương mại. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khó giảm lãi suất, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, Ts. Nguyễn Đức Hưởng – cố vấn cao cấp Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), cho rằng, nếu phân biệt và chỉ hỗ trợ xử lý các khoản từ năm 2016 trở về trước, cơ chế đó có công bằng hay không khi ngành ngân hàng luôn song hành cùng với nợ xấu. Vậy tại sao không áp dụng cho tất cả các khoản nợ xấu – những khoản cho vay từng có vai trò và nghĩa vụ như nhau đối với nền kinh tế?
Ông Hưởng phân tích, hiện nay 50% dư nợ của nền kinh tế từ ngân hàng, trong khi đó, cứ 2 đồng dư nợ làm ra 1 đồng GDP. “Chúng ta phải nhìn khách quan, đừng nhìn phiến diện, ai là người gây ra nợ xấu sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Hưởng nói.
Thêm một băn khoăn nữa được ông Hưởng nêu ra, đó là quyết định thu giữ tài sản. Nếu chủ tài sản đồng thuận thì xử lý, còn không đồng thuận sẽ trình ra tòa theo hồ sơ rút gọn.
“Chúng tôi phải đi xin, gõ cửa. Giả sử tôi là người đi vay, thấy quy định rõ không đồng ý cho thu tài sản là cho ra tòa, vậy tội gì không làm. Xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người hành khất”, ông Hưởng nói.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều ý kiến băn khoăn với việc xử lý nợ xấu thời gian tới như các ngân hàng hiện đang chật vật để xử lý những khoản nợ xấu chưa bán cho VAMC, tái cấu trúc ngân hàng. Thời gian tới, nhiều khoản nợ xấu từ VAMC được trả về cho các ngân hàng thương mại, điều này sẽ đẩy khó khăn của ngân hàng tăng lên gấp bội.
“Chỉ cần một cú sốc tài chính từ bên ngoài hoặc từ thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán) sẽ có tác động rất xấu đến toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế mà phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng theo kinh nghiệm quốc tế, cần phải có hành lang pháp lý riêng. Ở Việt Nam nếu không có nguồn lực tài chính tập trung mà dựa vào năng lực tự tái cấu trúc của các ngân hàng thương mại sẽ càng đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nữa.
“Do vậy, hơn lúc nào hết, các cơ quan quyền lực Nhà nước cần phải có quyết tâm chính trị đủ mạnh để vượt qua tư duy làm luật kiểu cũ, xây dựng một hành lang pháp lý riêng để các ngân hàng thực hiện thành công quá trình xử lý nợ xấu”, ông Nghĩa khẳng định.
Huyền Anh