Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 gửi Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 khai mạc sáng 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2022 là 1,53%. Tuy nhiên, trên tinh thần xem xét một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76%.
Ngân hàng nào ‘ôm’ nhiều nợ xấu nhất?
Mặc dù đã được cơ cấu lại rất nhiều khoản nợ, nhưng trong báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàng công bố, tổng số dư nợ xấu đến thời điểm 31/3/2022 vẫn tăng 11% so với cuối năm trước với hơn 109.600 tỷ đồng.
![]() |
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến 31/3/2022 là khoảng 377,9 nghìn tỷ đồng. |
Một "ông lớn" trong nhóm ngân hàng quốc doanh là BIDV có tên trong bảng tổng sắp với con số nợ xấu tăng nhẹ 1% so với cuối năm 2021, lên 13.730 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 0,97%, giảm nhẹ so với mức 1% hồi cuối năm ngoái.
Tại Vietcombank, mặc dù ghi nhận quy mô nợ xấu tăng mạnh lên đến 37% với con số nợ xấu là 8.372 tỷ đồng. Đáng lưu ý, đến cuối quý I, ngân hàng này ghi nhận ba nhóm nợ 3, 4, 5 đều tăng so với cuối năm 2021, trong đó nợ nhóm 3 tăng gần gấp đôi, nợ nhóm 4 tăng 75% và nợ nhóm 5 tăng 18%.
Tuy nhiên, Vietcombank vẫn là ngân hàng có chất lượng tín dụng được kiểm soát khá chặt chẽ. Tính đến 31/3/2022, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này chỉ là 0,8% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất ngành: 424%.
VietinBank có nợ xấu trên 15.300 tỷ đồng, tăng 7%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm nhưng riêng nhóm nợ 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng mạnh 36%.
Tại thời điểm 31/3/2022, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 1,25%, dù giảm nhẹ so với 1,26% cuối năm ngoái nhưng vẫn cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Ngoài ra, trong top 10 ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất tính đến 31/3 còn bao gồm Sacombank, VIB, MB, SHB, ACB và thêm gương mặt mới là LienVietPostBank với số dư nợ xấu tăng 3,1% từ 2.863 tỷ đồng lên 2.953 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,42%.
Tính riêng nợ xấu của 10 ngân hàng trên đã lên tới 82.608 tỷ đồng, tương đương 75% tổng nợ xấu của 27 ngân hàng được khảo sát.
Tỷ lệ nợ xấu có thể lên 5,76%
Trong báo cáo bổ sung gửi các đại biểu Quốc hội nêu rõ: dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2021.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, trong 2 năm qua, nợ xấu được “che giấu” vì những chính sách hỗ trợ nền kinh tế như Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 03/2020/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Tuy nhiên, khi các quy định giãn hoãn nợ hết hiệu lực từ tháng 6 tới, chính sách hỗ trợ không còn hiệu lực, số nợ xấu sẽ tăng trong những tháng cuối năm.
Theo NHNN, tính đến tháng 3/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2% (1,53%). Tuy nhiên, NHNN cho biết, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao 5,76%.
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến 31/3/2022 là khoảng 377,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng lãi dự thu phải thoái của hệ thống các TCTD là 16,5 nghìn tỷ đồng.
"Điều này cho thấy, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung và tại một số TCTD nói riêng cần tiếp tục được lưu ý trong thời gian tới (theo quy định của pháp luật hiện hành thì đây chưa phải là nợ xấu mà là những khoản nợ do cơ quan quản lý nhà nước chủ động nhận diện, có các giải pháp quản lý, kiểm soát và dự phòng trong trường hợp những khoản nợ đó có thể chuyển thành nợ xấu trong tương lai)", Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Thực tế, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng lạc quan cho rằng, kinh tế phục hồi khiến khả năng trả nợ của khách hàng tốt hơn. Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB cho hay, Thông tư 03 áp dụng chung cho tất cả các ngành. Hiện nay, nhiều ngành đã hồi phục, cộng với bằng năng lực tài chính đã có thể trả nợ ngân hàng.
Tại cuộc gặp mặt giới phân tích và nhà đầu tư, đại diện của VIB cho biết: “Các hỗ trợ của VIB kịp thời và hiệu quả khi nợ của các khoản vay đã cơ cấu được hầu hết khách hàng thanh toán đầy đủ và đúng hạn, giúp tổng dư nợ tái cấu trúc của ngân hàng giảm đều từng thời kỳ".
Huyền Anh