TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, các tổ chức tín dụng có trách nhiệm bảo toàn vốn cho người gửi tiền, khi đến hạn trả thì phải trả đầy đủ gốc và lãi. Trong trường hợp xảy ra sự vụ dẫn đến thất thoát tài sản, nếu phát hiện ra hành vi tham ô tài sản của cán bộ ngân hàng thì tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm hoàn trả ngay.
Bỗng dưng mất tiền tỷ trong sổ tiết kiệm
Mới đây, bà Hồ Thị Thùy Dương (ở TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.
Các chuyên gia khuyến cáo khách hàng gửi tiết kiệm nên thực hiện giao dịch tại quầy của các ngân hàng, nhất là với số tiền lớn. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Theo kết quả xác minh ban đầu, Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà Dương.
Trước đó cũng đã từng xảy ra không ít vụ việc tiền trong sổ tiết kiệm "bốc hơi", hoặc tiền gửi không vào ngân hàng mà bị cá nhân chiếm dụng. Từ những vụ việc nói trên, ông Hùng cho rằng, để xảy ra các vụ việc mất tiền gửi trên tài khoản tại ngân hàng có nhiều nguyên nhân, tựu trung ở một số nguyên nhân chủ yếu như: cán bộ ngân hàng và giao dịch viên không chấp hành đúng quy định của ngân hàng ban hành dẫn tới lợi dụng, tham ô.
Hoặc giao dịch viên với khách hàng tin tưởng lẫn nhau bỏ qua các thủ tục cần thiết như gửi sổ tiết kiệm, ký sẵn giấy rút tiền và chuyển tiền khi nào cần thì gọi điện thực hiện giao dịch... dẫn đến bị lợi dụng lẫn nhau. Hoặc khách hàng VIP được các nhân viên ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định.
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, không loại trừ khả năng thông đồng giữa khách hàng và cán bộ ngân hàng để trục lợi.
Các chuyên gia ngân hàng phân tích, những vụ mất tiền thời gian qua đa phần đều chung đặc điểm: Xảy ra với các khách VIP. Và do có chế độ được các ngân hàng chăm sóc đặc biệt từ các công đoạn gửi tiền, rút tiền cho đến nhận quà tặng, lãi suất nên họ đã chủ quan, thậm chí nhiều người còn tin tưởng tuyệt đối vào những cán bộ ngân hàng có quen biết (hay được giới thiệu) mà bỏ qua những quy định, nguyên tắc thông thường. Đây cũng là “kẽ hở” của khách để những cán bộ ngân hàng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, dụng tâm lừa đảo và trục lợi.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, khách VIP thường nhận được lời mời mở sổ tại nhà hay đến tận nơi đang làm việc. Những trường hợp này rất dễ phát sinh rủi ro nếu gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống, trong khi người gửi tiền lại không thực hiện các biện pháp kiểm tra chéo...
“Vì vậy, người gửi nên thận trọng kiểm tra nhiều chiều để đảm bảo tiền đã vào ngân hàng”, chuyên gia này khuyến cáo.
Làm gì để bịt lỗ hổng?
Hiện nay, các quy trình nghiệp vụ liên quan đến giao dịch gửi tiền và rút tiền tại quầy cũng như giao dịch điện tử đều đã được các tổ chức tín dụng ban hành đầy đủ đảm bảo an toàn cho người gửi và rút tiền. Vì vậy, tất cả các giao dịch nếu tuân thủ theo đúng quy định đã ban hành thì đều được bảo đảm an toàn một cách tuyệt đối.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Văn An (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc người dân bị mất tiền gửi tại các ngân hàng cho thấy lỗ hổng và khoảng trống lớn trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ ngân hàng.
Còn theo ông Hiếu, lỗ hổng ấy có thể là quy trình ngân hàng, có thể là việc thực hiện các quy định và quy trình nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng và cuối cùng là quy định của Ngân hàng Nhà nước có thể cần chặt chẽ hơn nữa.
Thực tế, những vụ việc thời gian qua ít nhiều ảnh hưởng tới uy tín giới nhà băng. “Đúng là có cơ chế riêng cho khách VIP nhưng dù thế nào, tôi khuyên khách hàng đừng bỏ qua những nguyên tắc trong giao dịch gửi hay rút tiền, bởi đồng tiền đi liền khúc ruột. Đặc biệt không ký khống bất cứ giấy tờ gì”, một chuyên gia nói.
Để tránh rủi ro xảy ra, chuyên gia khuyến cáo, khách hàng gửi tiết kiệm nên thực hiện giao dịch tại quầy của các ngân hàng, nhất là với số tiền lớn. Khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng tốt khi có sự cố xảy ra sau này.
Ngoài ra, hiện nay, các ngân hàng đã và đang áp dụng thông báo biến động số dư tất cả các tài khoản cho khách hàng thông qua tin nhắn SMS.
“Đây cũng là giải pháp mà tôi muốn khuyến cáo tất cả ngân hàng nên phổ biến đến tất cả khách hàng và xem xét miễn hoặc giảm phí sử dụng SMS Banking đến mức tối đa để đảm bảo tất cả các khách hàng có thể tiếp cận được thông tin biến động số dư một cách nhanh chóng nhất. Mọi vấn đề về biến động số dư trên tài khoản tiền gửi cũng như tài khoản tiết kiệm của khách hàng cần được thông báo qua tin nhắn SMS ngay lập tức khi giao dịch được thực hiện”, ông Hùng khuyến cáo.
Huyền Anh