![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho bà Nguyễn Thị Hồng. |
1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, thu nhập cao vào năm 2045 - nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Và, trong lần dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng nói rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng thời gian tới là tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân; Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các ngân hàng yếu kém.
Một bài toán và cũng là yêu cầu với ngành ngân hàng là làm sao để vừa giảm thiểu nợ xấu gia tăng, vừa xử lý thành công nợ xấu tồn đọng, vừa bảo đảm hệ thống các TCTD và từng tổ chức phát triển ổn định, bền vững, trong đó hướng đến mục tiêu có một số ngân hàng thương mại lọt vào top đầu các ngân hàng lớn, chất lượng tốt nhất, hiệu quả nhất trong khu vực. Tiếp tục gia cố, củng cố, chấn chỉnh và tăng cường năng lực hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống.
2. Được Quốc hội phê chuẩn là Thống đốc NHNN với đa số phiếu tán thành, bà Nguyễn Thị Hồng đã đi vào lịch sử khi trở thành nữ thống đốc đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ vậy, bà là một trong số ít ỏi (chỉ 15) nữ lãnh đạo đứng đầu các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới, bên cạnh các Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Nga, Malaysia, Ecuador, Cuba...
![]() |
Bà Nguyễn Thị Hồng, Nữ thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên. |
Nhìn nhận khách quan ở trên cương vị mới, bà Hồng sẽ có thuận lợi nhờ kinh nghiệm hàng chục năm theo dõi và chuyên trách mảng “xương sống” – chính sách tiền tệ của NHNN.
Đi lên từ một cán bộ trong Vụ Chính sách tiền tệ trước khi làm vụ phó rồi vụ trưởng. Sau 6 năm làm phó thống đốc dưới thời ông Nguyễn Văn Bình và ông Lê Minh Hưng, bà Nguyễn Thị Hồng, theo lời một chủ tịch ngân hàng thương mại, bà được đánh giá là người "nắm vững chuyên môn, tham mưu chính cho các chính sách quan trọng của NHNN lâu nay".
So với Thống đốc tiền nhiệm Lê Minh Hưng, khi tiếp quản chức vụ Thống đốc NHNN, với bà Nguyễn Thị Hồng, tình hình hệ thống ngân hàng thuận lợi hơn, nhưng cũng đang có những khó khăn nhất định. Ví dụ như cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn dang dở sẽ xử lý thế nào, cần có thêm những công cụ gì để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao, chính sách tỷ giá hối đoán trong bối cảnh Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ ra sao?…Và quan trọng hơn nữa là bà Hồng sẽ thực hiện những nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng ra sao?
3. Với ưu thế mềm mỏng vốn có của một người phụ nữ, cùng kinh nghiệm và bản lĩnh được trau dồi trong quá trình công tác, người ta tin rằng nữ "Tư lệnh" ngành ngân hàng sẽ có những chính sách phù hợp trong từng vấn đề.
Chẳng hạn, với chính sách điều hành tỷ giá không thể làm khó vị tư lệnh mới này được, bởi với 6 năm phụ trách mảng này và Quản lý Ngoại hối, ngay lập tức bà đã điều chỉnh phương án mua ngoại tệ từ 3 tháng lên 6 tháng. Động thái này có thể giúp Việt Nam giải thích được với Mỹ, chúng ta không dùng tỷ giá để tạo lợi thế thương mại không công bằng.
Đặc biệt, chính sách này cũng không có nghĩa "tân quan tân chính sách" với tỷ giá, bởi NHNN không phải là ngân hàng độc lập mà là một thành viên Chính phủ. Lâu nay NHNN thực hiện mục tiêu của chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chính sách tỷ giá, lãi suất không thoát ly được chỉ tiêu chung trong phát triển kinh tế vĩ mô.
Điều hành Chính sách tiền tệ năm 2021 tiếp tục kiên định quan điểm của Chính phủ là điều hành một cách linh hoạt, chính sách tỷ giá ổn định.
Nếu như trong điều hành tỷ giá, người ta mong chờ ở tân Thống đốc một sự mềm mỏng, thì với nợ xấu lại cần một người lãnh đạo sẽ phải có những quyết sách cứng rắn. Bởi việc xử lý nợ xấu được xem là vấn đề “gai góc” của ngành ngân hàng, đòi hỏi người lãnh đạo mới của NHNN cần nhìn thẳng vào vấn đề để có giải pháp hữu hiệu. Nhưng cần phải có những bước đi thận trọng và ưu tiên hàng đầu và đảm bảo được tính an toàn hệ thống ngân hàng.
Quả thực, áp lực nợ xấu cho các năm tới sẽ là rất lớn do các khoản nợ được tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trước đó dồn sang. Thống đốc mới của NHNN cần phải có giải pháp mạnh dạn hơn như vấn đề mua bán tài sản, bởi thị trường mua bán nợ hiện nằm ngoài ngân hàng. Hay như quyền của chủ nợ trong việc xử lý tài sản thế chấp cần phải hoàn thiện pháp luật về việc này thì mới làm được.
Chủ tịch một ngân hàng cổ phần đã từng nói: "Tái cơ cấu một hệ thống mà chủ các ngân hàng trong đó đa phần là đàn ông, lại máu lửa có lẽ sẽ cần một người đàn bà 'thép', bên cạnh việc am hiểu chuyên môn".
4. Trở lại với những chỉ đạo của Thủ tướng với ngành ngân hàng gần đây, một trong những “điểm sáng” của ngành ngân hàng trong năm 2020 được Thủ tướng đánh giá cao là điều hành lãi suất. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tổng cộng giảm khoảng 1,5-2%/năm và trở thành quốc gia có mức lãi suất giảm sâu nhất trong khu vực. Nhờ đó đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phát triển.
Trong bối cảnh bước sang năm 2021 nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, người dân còn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, Thủ tướng mong muốn ngành ngân hàng chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất.
Câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra với các lãnh đạo ngân hàng rằng: “Năm nay, ngân hàng chia sẻ với người dân thế nào, giảm lãi suất làm sao, cho vay các đối tượng thế nào chứ không phải lợi nhuận bao nhiêu”.
Câu hỏi của Thủ tướng có lẽ cũng là một trong những kỳ vọng lớn nhất trong năm nay của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là lãi suất cho vay giảm hơn nữa và nguồn vốn được khơi thông, ngân hàng có những chính sách phù hợp để họ tiếp cận được vốn, bởi nếu chỉ dựa vào thế chấp thì họ không vay được.
Nhưng kỳ vọng giới ngân hàng và thị trường không chỉ dừng lại ở sự ổn định. Mà còn đặt lên vai Thống đốc những kỳ vọng hơn nữa trong câu chuyện về hội nhập. Trong đó, ngoài ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế tân tiến hơn, thì chuyển đổi số sẽ "mở cánh cửa" cho các ngân hàng vươn tầm khu vực.
5. Trong bối cảnh Việt Nam vừa tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại lớn, ngành ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, là trung gian tài chính gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế, hoạt động của ngân hàng bao trùm tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội. Ngân hàng Việt đang từng bước thực hiện tự do hóa và mở rộng thị trường theo cam kết quốc tế. Đây là cơ hội và thách thức mà ngân hàng Việt cần vượt qua.
Về chia sẻ thách thức với người đứng đầu ngành ngân hàng hiện nay, một chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển ngân hàng số đang là vấn đề cấp bách không chỉ phục vụ nhu cầu của khách hàng, mà còn là "chìa khoá" để ngân hàng Việt đạt mục tiêu nâng tầm trong khu vực và trên thế giới. Do đó, điều mà một Thống đốc cần có là sự "mở", tức là khả năng đón nhận cái mới và mức độ hội nhập cao.
Nếu hàng ngày nói về ngân hàng số mà tất cả giao dịch như mở tài khoản, cho vay... chưa thể lên môi trường điện tử thì "chưa thể có ngân hàng số".
Do đó, những điều mà giới ngân hàng đang trông đợi về mặt pháp lý từ phía nhà điều hành là hướng dẫn cụ thể để ngân hàng mở tài khoản trực tuyến cho người dân, việc hợp thức hoá cho vay điện tử cũng như triển khai ngân hàng đại lý và cuối cùng là cơ chế thí điểm Sandbox.
Trong bối cảnh cả nước đang bước sang một mùa xuân mới, với nhiệm kỳ mới, người ta tin rằng nữ Thống đốc đầu tiên của Việt nam sẽ tiếp tục kế thừa kết quả đạt được của Thống đốc tiền nhiệm, nhất là ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ có nhiều làn gió mới tích cực.
Thanh Hoa