Ngày nay, thanh toán điện tử không chỉ đơn giản là quẹt thẻ qua ngân hàng, là thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, làn sóng “đổ bộ” của các doanh nghiệp công nghệ, các công ty Fintech vào thị trường Việt Nam đang mang đến nhiều phương thức thanh toán điện tử mới như: thanh toán di động, thanh toán không tiếp xúc…
Đón nhận những “gã khổng lồ”
Số liệu vừa được công ty Công nghệ thanh toán toàn cầu Visa công bố cho biết, tính đến cuối tháng 6/2017, tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử tại Việt Nam đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị giao dịch qua POS tăng gần 600%, doanh số thanh toán trực tuyến tại các điểm chấp nhận thẻ tăng hơn 350%…
Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia, Lào, cho biết, sự tiện lợi của thanh toán online, thanh toán qua di động, sự phổ dụng của Uber và Grab, cùng với việc thanh toán tại các siêu thị, trên xe taxi, cửa hàng tiện lợi… đã giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp thể hiện thái độ cởi mở với phương thức thanh toán mới.
Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng mạnh theo từng năm, cho nên rất nhiều “gã khổng lồ” trên thế giới muốn nhảy vào mảng này.
Đầu năm nay, Visa đã hợp tác với Sacombank để ra mắt công nghệ thanh toán không tiếp xúc Visa payWave ở Việt Nam. Visa payWave cho phép chủ thẻ thanh toán bằng cách chạm thẻ vào thiết bị chấp nhận thẻ, không cần ký tên hay nhập mã pin trong trường hợp giao dịch dưới 1 triệu đồng.
Mới đây, Samsung Pay đã “tạo sóng” trên thị trường thanh toán di động khi mang đến phương thức thanh toán trực tiếp ngay trên điện thoại thông minh. Người dùng có thể sử dụng điện thoại cá nhân thay thế cho thẻ ngân hàng tại các máy tính tiền. Trong khi đó, “gã khổng lồ” Facebook cũng không chịu ngồi im nên đã bắt tay với ngân hàng MB triển khai thử nghiệm Facebook Payment.
Ngoài ra, còn rất nhiều kênh trung gian thanh toán 100% vốn nước ngoài muốn đổ bộ vào thị trường Việt Nam như: Alibaba, MKI, Doreming… nhưng điều này là vô cùng khó khăn.
Theo quy định, trung gian thanh toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt như được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm định và cấp phép hoạt động. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo cam kết Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), về dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay Việt Nam không có cam kết mở rộng thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ thông tin, thanh toán điện tử tại Việt Nam phát triển nhanh, tỷ lệ người tiêu dùng trẻ đang tăng và sự chuyển hướng từ Chính phủ là những yếu tố hấp dẫn những “gã khổng lồ” nước ngoài vào Việt Nam.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 24 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử và tất cả đều là công ty trong nước, chưa có một dịch vụ nào của nước ngoài được cấp phép.
Fintech “bắt tay” ngân hàng
Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, hiện tại có 104 triệu thẻ thanh toán nội địa và khoảng 8,6% thanh toán qua POS năm 2016. Tuy nhiên, tính đến ngày 04/9/2017, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 24 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và tất cả đều là công ty trong nước.
Trong khi đó, có nhiều “ông lớn” muốn thành lập kênh trung gian thanh toán 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng cho đến nay, chưa có một dịch vụ nào của nước ngoài được cấp phép.
Nhiều nguồn tin cho biết, với những bước chuẩn bị hiện tại, Alibaba đang tìm cách để đưa AliPay vào thị trường Việt Nam. Dù chưa tiết lộ thông tin cụ thể nhưng nhiều chuyên gia cho rằng rất có thể Alibaba sẽ “bắt chước” những “ông lớn” đi trước bằng cách “hợp tác” với các doanh nghiệp của Việt Nam, chấp nhận tỷ lệ sở hữu các ngân hàng là 30% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các chuyên gia, nếu AliPay vào Việt Nam, với tiềm lực của mình, nó sẽ là đối thủ chính của Samsung Pay mà không phải là Apple Pay và Google Pay, đồng thời là mối de dọa lớn đối với các công ty Fintech Việt Nam.
Vì vậy, để không đánh mất “miếng bánh” thị phần vào “tay” các đối thủ ngoại, nhiều công ty Fintech nội đã “bắt tay” với các ngân hàng nhằm tạo nên sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Điển hình, ngân hàng BIDV đã hợp tác với VNPT Media, Vietcombank hợp tác với Momo, Payoo, Moca…
Một chuyên gia ngành tài chính cho biết, việc hợp tác giữa công ty Fintech với ngân hàng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đây là cách tốt nhất, hiệu quả nhất để triển khai chiến lược kinh doanh và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng nhằm cạnh tranh với các đối thủ ngoại.
“Các công ty Fintech cần khả năng tiếp cận vốn và nguồn khách hàng rộng lớn cũng như sẵn có của các ngân hàng, ngược lại các ngân hàng cần công nghệ để giúp họ giải quyết những vấn đề về hệ thống công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, sự hợp tác này sẽ mang lại không chỉ lợi ích cho cả hai bên mà khách hàng cũng được hưởng lợi”, vị chuyên gia này cho hay.
Huyền Anh