Đến nay, phần lớn ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 20 - 40%, thậm chí có nhà băng dự kiến tăng vốn đến 60 - 70%. Các phương án tăng vốn điều lệ được triển khai thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP)...
"Hành trình" không ngừng nghỉ
Trong báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm “Big 4” (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Agribank đã được cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ. VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng. Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng. Còn tại BIDV, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
Tăng vốn điều lệ là "hành trình" không ngừng nghỉ của các ngân hàng. |
Riêng Agribank, NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước.
Về nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), trong đó việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ). Nhờ đó, đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP đạt 416,9 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.488,2 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.513,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.686,6 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của 30 ngân hàng trong nước, tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn điều lệ các ngân hàng đạt 575.761 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm.
NHNN nhận định, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng TMCP, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.
Trong đó, một số ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ vốn điều lệ trong 6 tháng đầu năm, đứng đầu là VIB với mức tăng trưởng 35,7%. Đến 30/6/2022, vốn điều lệ của VIB đạt 21.077 tỷ đồng.
Tiếp đó là ABBank (35%), Nam A Bank (27,9%), Vietcombank (27,6%), SeABank (24%), VietABank (21,3%)...
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn
Theo nhận định của các chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn tăng mạnh, vốn điều lệ "dày" sẽ là một trong những yếu tố giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Việc tăng vốn điều lệ sẽ là động lực để các nhà băng tiếp tục giành lại thị phần trong thời gian tới, đồng thời góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Đại diện MSB cho biết: "Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và đáp ứng kế hoạch tăng trưởng đã được đặt ra”.
Còn theo đại diện NCB, tăng vốn điều lệ thành công là bước đột phá trong quá trình thực hiện Phương án cơ cấu lại, giúp NCB củng cố năng lực tài chính, tăng cường an toàn hoạt động, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc thành công và đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển ngân hàng trong dài hạn.
Công ty chứng khoán SSI kỳ vọng kế hoạch tăng vốn thành công cũng sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng được nới hạn mức tín dụng.
Trước đó, dù mức tăng trưởng vốn điều lệ của nhiều ngân hàng đã xuất hiện ở nhiều nhà băng trong nửa đầu năm nay, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận vốn vay do room tín dụng của các ngân hàng được cơ quan quản lý cấp hạn chế.
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn cao để hoạt động.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Nếu không có ảnh hưởng của dịch COVID-19, hay cơ hội phục hồi kinh tế kéo theo nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng nhanh, thì vấn đề room tín dụng không nóng như hiện nay. Cụ thể, nếu không có dịch, không gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, thì lượng vốn đã đủ để quay vòng, trả nợ. Nhưng do các nguyên nhân trên cộng với tình hình kinh tế phục hồi nên lượng vốn cần bổ sung tăng lên khá mạnh.
Tuy nhiên, bài toán điều hành của NHNN vẫn phải ưu tiên ổn định hệ thống và kinh tế vĩ mô. Do đó, sẽ phải hết sức chú ý đến lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022 là phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Huyền Anh