Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dữ liệu tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 2. Theo đó, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân hồi phục nhanh, tăng thêm 139.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1, lên 6,637 triệu tỷ đồng.
Người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng
Có thể thấy, trong quý đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động chỉ còn bằng 1/3 so với năm ngoái nhưng nhiều người vẫn chọn gửi tiết kiệm ngân hàng.
Chị Vũ Thuỳ Liên (Hà Nội) chia sẻ: "Hồi tháng 2 vừa qua, tôi có một khoản tiền nhàn rỗi, nhưng vẫn quyết định gửi ngân hàng dù lãi tiết kiệm thời điểm đó chỉ còn 4,7%/năm nếu gửi 12 tháng, thấp hơn cả giai đoạn dịch COVID-19. Tôi chọn gửi tiết kiệm vì chưa biết đầu tư vào đâu để vừa bảo toàn vốn mà còn có lợi nữa".
Tại cuộc họp báo tổng kết quý I của NHNN, báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/3 cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023.
Mốc lãi suất 6%/năm sau khi biến mất khỏi thị trường hồi đầu năm đã quay trở lại. |
Tuy nhiên, ghi nhận của VnBusiness, từ tháng 4 đến nay, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng ghi nhận tăng nhẹ khoảng 0,2-0,5% so với thời điểm đầu năm 2023.
Đặc biệt, mốc lãi suất 6%/năm sau khi biến mất khỏi thị trường hồi đầu năm đã quay trở lại. Và giới phân tích nhận định, lãi suất huy động tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất huy động có thể dâng cao hơn từ 0,5 - 1 điểm %, tuy nhiên đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động trên toàn thị trường.
Theo đó, nhiều ý kiến đánh giá dòng tiền có thể sẽ quay trở lại ngân hàng, thanh khoản ngân hàng vẫn tiếp tục dồi dào. Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay vẫn ổn định so với thời điểm đầu năm.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm.
Ngày 30/5 vừa qua, NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng bình ổn lãi suất huy động; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngân hàng tìm cách khơi thông nguồn vốn
Các ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay không còn là rào cản với người dân và doanh nghiệp. Mặc dù nhu cầu tín dụng đang có những tín hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Hơn 1/4 quãng thời gian của năm 2024 qua đi, trong khi con số tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng hơn 2%, so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 15%.
Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm do nền kinh tế vẫn còn đối mặt với những khó khăn, nhiều ngành hàng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt việc vay vốn của các cá nhân, tiểu thương và hộ kinh doanh vẫn còn nhiều "nút thắt" khi tiếp cận nguồn vốn.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định, hiện tại, các ngân hàng cũng vẫn còn phải giữ tâm thái rất thận trọng trong khâu kiểm soát rủi ro và đây là yếu tố khiến các ngân hàng đều phải cân nhắc trước bài toán “thả gà ra đuổi”.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, tiến gần tới ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100% thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Như vậy, các ngân hàng cũng sẽ phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng để bù đắp cho chỉ số an toàn tài chính đang có dấu hiệu sụt giảm.
Diễn biến này đang cho thấy các ngân hàng đang đứng trước “thế kẹt”. Một mặt tâm lý chung vẫn phải rất thận trọng đảm bảo an toàn cho từng khoản vay, mặt khác vẫn phải trông đợi vào một yếu tố nào đó có tính “bùng nổ” trong giai đoạn còn lại mới có thể đạt được chỉ tiêu.
Hiện nay, các ngân hàng đang tìm cách đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Nhận thấy vai trò của tiểu thương, hộ kinh doanh trong chuỗi kinh tế, tại hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng diễn ra vào tháng 3 vừa qua, NHNN khẳng định sẽ bám sát diễn biến thị trường và tình hình kinh tế trong và ngoài nước để thực hiện các giải pháp đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận và mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, chú trọng phát triển các sản phẩm tín dụng mới đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, hoạt động vay vốn sản xuất, kinh doanh có khả năng sôi động hơn trong nửa sau năm 2024 khi nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các thành phần kinh tế gia tăng.
Về phía ngân hàng, đại diện Eximbank cho biết, Ngân hàng đang đẩy mạnh các gói vay tín dụng linh hoạt cho sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng đồng hành hỗ trợ cho các khách hàng, đặc biệt là tiểu thương, hộ kinh doanh tăng tốc bứt phá mùa cuối năm.
Huyền Anh