Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho hay, năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng giao dịch và 14,4% về giá trị giao dịch so với năm 2023.
Trong số đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 33,5% về số lượng giao dịch và 14,9% về giá trị giao dịch.
Đồng thời, dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR tăng trưởng vượt trội, tăng tương ứng 118% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 1/3 tổng số lượng giao dịch của dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247.
Giao dịch trên ATM được xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. |
Đối với giao dịch trên ATM, năm 2024 tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm liên tiếp: giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Kết quả này phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển nhanh NAPAS 247, chuyển tiền/ thanh toán bằng mã VietQR.
Đáng chú ý, trong năm qua, NAPAS tích cực triển khai kết nối thanh toán song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gồm Thái Lan, Campuchia và Lào nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán của du khách Việt Nam sang công tác, du lịch tại các quốc gia này.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company, thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam ghi nhận tổng giá trị giao dịch ấn tượng, tăng từ 126 tỷ USD vào năm 2023 lên 149 tỷ USD vào năm 2024.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng trung bình của thanh toán QR từ 8% - 10% mỗi tháng, năm 2024 còn là năm của thanh toán không tiếp xúc qua NFC.
Trong khi thanh toán không chạm tăng trưởng khá ổn với mức tăng trung bình khoảng 6% mỗi tháng, hình thức thanh toán truyền thống (quẹt/chèn chip) lại giảm 2% - 3% mỗi tháng.
Đáng chú ý, năm 2024 có sự chuyển dịch đáng kể về tỷ trọng thanh toán trên tổng các ngành nghề, địa phương, từ 60% trực tuyến - 40% thanh toán tại điểm (năm 2023) đến 65% trực tuyến - 35 % thanh toán tại điểm.
Với phương thức thanh toán tại điểm, ngoài Hà Nội và TPHCM là hai địa phương dẫn đầu về tăng trưởng thanh toán không tiền mặt, năm 2024 đã chứng kiến sự bứt phá đáng chú ý từ các tỉnh thành khác.
Một số địa phương có sự tăng trưởng giao dịch thanh toán điện tử trên 7% mỗi tháng, như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Kiên Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...
Theo đề án phát triển thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam 2021-2025 của Chính phủ, mục tiêu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%...
Vì vậy, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đề nghị NAPAS thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tích cực triển khai các nội dung của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán song phương bằng mã QR với các quốc gia. Cụ thể, thời gian tới, NAPAS cần đẩy nhanh triển khai kỹ thuật, kết nối thanh toán xuyên biên giới với Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Đặc biệt, NAPAS cần chú trọng triển khai chiều thanh toán cho người nước ngoài có thể thanh toán quét mã VietQR khi đến Việt Nam.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết đi cùng với đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu NAPAS tăng cường công tác giám sát an ninh, an toàn, đảm bảo hoạt động liên tục thông suốt của hệ thống. "Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đi đôi với việc tăng trưởng các giao dịch thanh toán điện tử. Đồng thời, NAPAS cần tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trao đổi thông tin, đề xuất giải pháp, ngăn ngừa, phát hiện phòng chống tội phạm trong hoạt động thanh toán", ông Tuấn nêu.
Thanh Hoa