Theo các chuyên gia tài chính, “linh hồn” của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có cơ chế để xử lý các TSĐB, điều này sẽ khuyến khích, huy động được những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Sắp có thêm NH 100% vốn ngoại
Ông Bùi Huy Thọ – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – cho biết, hiện đang có một số ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ba ngân hàng 0 đồng.
Thông tin tới báo chí, ông Thọ cho biết, hiện nay Oceanbank đã được một nhà đầu tư nước ngoài mua lại và đang thực hiện ở giai đoạn 2 – đánh giá lại toàn diện hoạt động của ngân hàng này. Hai ngân hàng còn lại hiện giờ có nhà đầu tư đặt vấn đề bước đầu tham gia tái cơ cấu. “NHNN đã đồng ý cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận với các ngân hàng để có được thông tin đánh giá bước đầu và ra quyết định cho bước tiếp theo”, ông Thọ cho hay.
Đại diện NHNN nhận định, việc mua lại hoàn toàn một TCTD không phải là một thương vụ đơn giản do mạng lưới ngân hàng trải khắp trên cả nước, cần nhiều thời gian để xem xét và đánh giá toàn diện như: chi nhánh, nợ xấu, hoạt động tín dụng, hoạt động bảo lãnh, công nợ…
Tuy nhiên, theo ông Thọ, trong quá trình xem xét, nhà đầu tư nước ngoài rất nghiêm túc và mong muốn thương vụ thực hiện thành công.
Đánh giá về thông tin này, một số chuyên gia cho rằng, với ba ngân hàng 0 đồng, nhà đầu tư muốn mua lại toàn bộ vốn, rất có thể những thương vụ này sẽ thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài do có đủ tiềm lực kinh tế.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư ngoại mong muốn được “sở hữu” các ngân hàng yếu kém, sẽ dẫn đến nguy cơ thị trường tài chính Việt Nam do các ngân hàng ngoại chiếm lĩnh.
Đại diện NHNN cho rằng, chỉ những ngân hàng trong diện tái cơ cấu mới bán hoàn toàn phần vốn. Còn lại những thương vụ M&A khác trong lĩnh vực ngân hàng không như vậy. Cụ thể, thương vụ VIB không mua lại vốn mà chỉ mua lại toàn bộ tài sản công nợ thuộc chi nhánh của Commonwealth Bank of Ausatralia (CBA) tại Tp.HCM; còn ngân hàng HSBC chỉ thoái vốn khỏi Techcombank theo kế hoạch kinh doanh của họ.
![]() |
Bán lại tài sản công nợ, CBA mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của VIB
Bên cạnh đó, ông Thọ cũng lý giải những lo ngại về việc có hiện tượng không tích cực trong lĩnh vực ngân hàng?
Theo ông Thọ, thực chất chiến lược của CBA là đóng cửa chi nhánh này để tập trung vào quan hệ cổ đông chiến lược với VIB. CBA đặt vấn đề muốn dùng vốn điều lệ của chi nhánh này để tăng vốn góp ở VIB. Nhưng vì room của VIB không được vượt quá quy định của NHNN dành cho cổ đông chiến lược nước ngoài (20%). Còn trường hợp của HSBC lại khác, họ đã có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam hoạt động hiệu quả và họ không có nhu cầu giữ cổ đông chiến lược tại Techcombank nữa.
“Đây là hai câu chuyện khác nhau, phù hợp với chính sách của NHNN về việc giảm các đầu mối, quản lý số lượng TCTD, tăng quy mô và hiệu quả lành mạnh trong hoạt động của các TCTD”, ông Thọ nói.
M&A ngân hàng sẽ bùng nổ ?
Những năm qua, ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, đặc biệt Chính phủ và NHNN khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, bắt buộc mua lại 0 đồng.
Theo các chuyên gia tài chính, Nghị quyết 42 ra đời kèm theo những cơ chế xử lý TSBĐ sẽ là “đòn bẩy” giúp các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Dự kiến thời gian tới, những thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ ngày càng nhiều.
Ông Thọ cho rằng Nghị Quyết 42 ra đời mang tính đột phá trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt khi “linh hồn” của Nghị quyết là xử lý TSBĐ. “Trên thực tế, nếu không tháo gỡ quyền thu giữ TSBĐ của các TCTD sẽ khó xử lý được nợ xấu”, ông Thọ khẳng định.
Nêu dẫn chứng, ông Thọ cho hay, khi bán hay xử lý TSBĐ dưới giá, VAMC hay cán bộ tín dụng, không dám xử lý do sợ phải chịu trách nhiệm hình sự. Song Nghị quyết này đã tháo gỡ nỗi sợ về mặt trách nhiệm đó cho các cán bộ TCTD.
“Đã có trường hợp, một ngân hàng thương mại nhà nước đã được NHNN đồng ý về mặt chủ trương để xử lý một khoản nợ xấu song ngân hàng đó vẫn không dám bán. Nhưng giờ đây, khi có Nghị quyết 42, khoản nợ này sẽ được xử lý sớm”, ông Thọ nêu.
Khi nợ xấu được xử lý sẽ tác động rất lớn đến M&A trong lĩnh vực ngân hàng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài mua lại những ngân hàng yếu kém, ngân hàng bắt buộc mua lại của Việt Nam nếu nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng từ xử lý nợ xấu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực tài chính thời gian tới sẽ là: tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng… vốn còn nhiều tiềm năng ở Việt Nam.
Huyền Anh