Theo Dự thảo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến, dự kiến thay thế cho Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011 Quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là các ngân hàng).
Theo đó, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi, ngân hàng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất với số tiền rút trước hạn. Với phần tiền gửi còn lại, ngân hàng và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách rút trước hạn một phần.
Quyền lợi người gửi được bảo vệ
Thông tin này nhận được sự đồng tình của người gửi tiền và cả ngân hàng. Chị Nguyễn Thu Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận xét quy định này có lợi cho người gửi tiền trong trường hợp cần tiền cấp bách. Bản thân chị Hà có một cuốn sổ tiết kiệm gần 500 triệu đồng gửi tại ngân hàng với lãi suất 6,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng, còn hơn 5 tháng nữa mới đến hạn rút. Mới đây, chị cần hơn 100 triệu đồng đột xuất, nhưng phía nhà băng không cho rút một phần tiền. Nếu phải rút toàn bộ số tiền gửi, lãi suất chỉ còn 0,2% thay vì 6,45% như trong sổ tiết kiệm, chị sẽ bị thiệt thòi.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xem xét ban hành Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi. |
Nhân viên ngân hàng tư vấn chị Hà cầm sổ tiết kiệm vay lấy 100 triệu đồng, lãi suất tiền gửi cộng thêm biên độ 2,5%, tương ứng 9,3%/năm. Sau khi tính toán, chị Hà thấy cầm cố sổ tiết kiệm trong hơn 5 tháng để đợi đáo hạn sổ tiết kiệm chị sẽ mang về được 3 triệu đồng, nên chị đã chọn cầm cố sổ.
Dưới góc độ của ngân hàng, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) nhận xét: quy định này là hợp lý, tăng bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Trước đây NHNN có sự quản lý rất chặt về việc rút trước hạn để tránh tình huống thoả thuận lãi suất có thể đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Tuy nhiên, hiện nay mặt bằng lãi suất đang ổn, thanh khoản hệ thống tốt, việc này đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, tránh tình huống người dân gặp khó khăn trong việc gửi nhiều nhưng khi có việc đột xuất phải rút một khoản tiền ra thì sẽ bị thiệt thòi.
“Dưới góc độ ngân hàng, chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này. Bởi phía ngân hàng luôn theo hướng cố gắng làm sao thoả mãn tốt nhất nhu cầu khách hàng. Việc quy định chặt chẽ đương nhiên ngân hàng phải tuân thủ, nhưng ngân hàng sẽ có ít “không gian” để sáng tạo ra sản phẩm mới. Nhưng khi quy định được nới ra theo cách NHNN đang tiếp cận thì các ngân hàng sẽ có nhiều “không gian” sáng tạo ra sản phẩm để phục vụ tốt nhu cầu khác nhau của khách hàng”, ông Tùng cho hay.
Không lo xáo trộn nguồn vốn
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, một số ý kiến cũng tỏ ra lo ngại chính sách thay đổi cách tính lãi suất khi khách hàng rút vốn trước hạn sẽ gây ra sự xáo trộn cho nguồn vốn ngân hàng, ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Bởi lãi suất tiền gửi của khách hàng và ngân hàng do hai bên thỏa thuận, chứ không nên can thiệp vào cụ thể như thế nào. Các ngân hàng cân đối cơ cấu nguồn vốn ngắn, trung, dài hạn khác nhau để đưa ra mức lãi suất huy động.
Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định, điều này khó xảy ra, bởi ngân hàng sẽ hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình là ai để đưa ra sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, tại OCB, hiện nay đối tượng khách hàng của nhà băng là khách hàng trung lưu, những khách hàng công chức có thu nhập không nhiều, nhưng ổn định, thông thường khách hàng có nhu cầu tích luỹ rất cao. Mặt khác, khách hàng cũng có nhu cầu phát sinh khác nhau trong cuộc sống.
Chính vì những yếu tố này nên trước đây nhiều khách hàng không dám gửi kỳ hạn dài, nên lãi suất được hưởng rất thấp. Vì vậy, nếu dự thảo này được ban hành, OCB sẽ xây dựng các sản phẩm tích lũy, tiết kiệm định kỳ cho các cá nhân có kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi cao hơn.
Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nguồn vốn huy động quá nhiều khi chính sách cho phép rút trước hạn, tính lãi suất thỏa thuận phần tiền còn lại. Ngân hàng sợ khách rút vốn trước hạn thì bị hụt vốn và phải huy động với chi phí cao hơn. Nhưng với cách tính lãi suất như chính sách mới ban hành, ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn trung và dài hạn tốt hơn.
Về lo ngại ngân hàng sẽ hụt thu nguồn tiền giá rẻ không kỳ hạn nếu quy định này được ban hành, Tổng giám đốc OCB cho biết: “Ngân hàng không nhìn vào khoản tiền gửi tiết kiệm rút trước kỳ hạn để lấy đó làm thu nhập lớn cho mình. Tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mà các ngân hàng đang phấn đấu để tăng số dư lên bản chất là số dư nhàn rỗi tạm thời trên tài khoản thanh toán, chứ không phải từ khoản tiền gửi tiết kiệm rút trước kỳ hạn của khách hàng, khoản này đóng góp không đáng bao nhiêu cho ngân hàng”.
Thanh Hoa