TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chịu nhiều áp lực: Kiểm soát lạm phát nhưng không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
Áp lực lạm phát rất lớn
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Tuy nhiên, trao đổi tại Toạ đàm “Đầu tư tài chính 2022 – Chuyên đề II: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán”, được tổ chức ngày 29/6, ông Hiếu cho rằng, dư địa để NHNN đang duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4% cho cả năm không còn nhiều, bởi giá dầu, giá sinh hoạt tăng hằng ngày.
Giới phân tích trong nước cũng bắt đầu đề cập nhiều hơn về khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới. (Ảnh: Int) |
Bên cạnh đó giá hàng hoá trên thế giới tăng mạnh, với đà tăng nhập khẩu của Việt Nam, lạm phát nhập khẩu là điều đương nhiên. “Việc duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4% là một thách thức rất lớn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cũng có ý kiến cho rằng khởi nguồn lạm phát dường như không chỉ bắt đầu từ giá xăng, mà đã thấp thoáng đâu đó sự "trỗi dậy" của tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay.
Để hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, NHNN chủ trương không siết chặt tín dụng và kiềm chế lãi suất vay không cho tăng mạnh. Hiện nay các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh tín dụng và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông. Nhiều ngân hàng đã dùng hết room tín dụng và hiện đang xin NHNN cấp thêm room tín dụng.
Theo ông Hiếu: “Tất cả những điều này là hiển nhiên trong bối cảnh nền kinh tế cần được tiếp sức để tiếp tục quá trình phục hồi. Nhưng những điều này đang đi ngược lại chủ trương chống lạm phát: với một dòng vốn tín dụng tiếp tục đổ vào nền kinh tế trong khi rủi ro lạm phát ngày càng cao, khác nào “lửa đổ thêm dầu”.
Trước đây, việc cho vay của các ngân hàng thường êm ả đầu năm và tăng dần vào quý III, quý IV. Năm nay khác, tính đến 21/6 tăng trưởng tín dụng đạt 8,51%, gấp 2,8 lần so với con số cùng kỳ năm trước (5,47%). So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng còn lại của năm khá eo hẹp, chỉ còn gần 5,5%.
"Điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Nếu tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn, nhưng nếu thắt chặt tín dụng, thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, room tín dụng phải được giải quyết thỏa đáng".
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Chưa kể, sắp tới nền kinh tế sẽ có thêm lượng vốn lớn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% và để triển khai gói hỗ trợ này, nhiều ngân hàng đề xuất được nới room tín dụng. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong năm nay khó giữ ở mức mục tiêu của NHNN là 14%.
Tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ khiến cầu tín dụng và khối lượng tín dụng tăng nên NHNN đã tính toán, nghiên cứu để có lượng tín dụng bổ sung một cách phù hợp, đáp ứng nhu cầu khôi phục nền kinh tế để gói 2% có đủ dư địa về tín dụng. "Từ đầu năm, khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, nhưng sẽ điều chỉnh một cách linh hoạt, có thể tăng lên 15-16%, song cũng có thể giảm xuống 12 - 13%", ông Tú nói.
Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang có xu hướng tăng trên toàn cầu, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ.
Thực tế, trước áp lực lạm phát tăng cao, các nước trên thế giới đã tăng lãi suất. Chỉ riêng trong tháng 5/2022 đã có 144 lượt tăng lãi suất của các đồng tiền trên thế giới. Trong bối cảnh đó, giới phân tích trong nước cũng bắt đầu đề cập nhiều hơn về khả năng NHNN tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới.
Theo nhóm nghiên cứu tại HSBC, tình trạng giá năng lượng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung đi lên, khiến lạm phát Việt Nam sẽ có lúc vượt trần 4% trong nửa sau năm 2022. ''Với tình hình này, NHNN có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 0,25 điểm phần trăm) trong năm 2023'', HSBC phán đoán.
Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng cho rằng, NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm để duy trì tăng trưởng vừa phải. Tuy nhiên, viễn cảnh này có thể diễn ra vào các tháng cuối năm 2022. “Mức tăng 0,50 điểm phần trăm sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%”, MBKE nêu quan điểm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay NHNN cho biết, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh...
Huyền Anh