![]() |
Dự báo nợ xấu của các ngân hàng trong năm 2021 tiếp tục tăng. |
Mùa công bố báo cáo tài chính năm 2020 của các ngân hàng đã bắt đầu. Năm nay, ngoài con số lợi nhuận, vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm hơn cả là tỷ lệ nợ xấu và con số bao phủ nợ xấu của nhà băng ra sao.
Cẩn trọng hơn với nợ xấu
Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2020 vừa được công bố cho thấy, vấn đề nợ xấu vẫn là một gánh nặng rất lớn đối với các nhà băng, khi khối nợ xấu đã tăng mạnh trong năm 2020.
Điển hình, đến cuối năm 2020, BacABank ghi nhận nợ xấu là 628 tỷ đồng, tăng 25,6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,69% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 0,79%.
Tương tự, tính đến ngày 30/12/2020, LienVietPostBank có 2.527 tỷ đồng nợ xấu, tăng 24,5% so với đầu năm. Tổng nợ xấu của Kienlongbank gấp 5,5 lần hồi đầu năm, ghi nhận 1.883 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn gấp 7,5 lần.
Bên cạnh đó, có một số ngân hàng không tăng tỷ lệ nợ xấu, nhưng vẫn “mạnh tay” trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao.
Như Vietcombank đến cuối năm 2020 ghi nhận tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,6%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục 380%. Còn VietinBank, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng ở mức khoảng 130%, cao hơn năm 2019. Hay tại MB, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 120%...
Tuần này, dự kiến nhiều thành viên sẽ lần lượt công bố kết quả kinh doanh và hệ thống sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.
Vì sao chỉ có 10 đồng nợ xấu, nhưng ngân hàng trích lập dự phòng tới 120, 130, thậm chí 380 đồng như Vietcombank?
Nguyên nhân là trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 cho phép hệ thống các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không phải chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Vì vậy, gần 335.000 tỷ đồng đang được các ngân hàng cơ cấu lại sẽ không bắt buộc tính vào nợ xấu trong năm 2020. Tuy nhiên, khi các thời hạn trong Thông tư 01 kết thúc, các khoản cơ cấu đáo hạn mà vẫn là nợ xấu bởi Covid-19, không có cơ chế nối tiếp, ngân hàng sẽ buộc phải chính thức trích lập dự phòng.
Đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra, các ngân hàng phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay.
“Đây chính là lý do khiến một số nhà băng dù có tỷ lệ nợ xấu giảm so với năm 2019, nhưng vẫn “mạnh tay” trích lập dự phòng rủi ro”, một chuyên gia nhận định.
Thách thức lớn
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngân hàng nào có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra lo ngại, với quy mô trên 300.000 tỷ đồng đang được cơ cấu lại, khi đáo hạn, nếu phải thực hiện trích lập ngay theo quy định thông thường, không loại trừ tình huống quá tải tại một số thành viên, hoặc tạo thêm sức ép lên nguồn vốn và lãi suất…
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng ở vào mức khoảng 3% (so với mức 1,89% cuối năm 2019) và nợ xấu gộp khoảng 5% (so với mức 4,65% cuối năm 2019).
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021 vào cuối tuần qua, ông Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, riêng năm 2020, VAMC đã triển khai mua 281 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng.
Ông Lực dự báo năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5,5 - 6% đến cuối năm 2021.
Trong năm 2021, có thể tình hình kinh tế sẽ tốt lên, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn sẽ giảm rủi ro về nợ xấu, nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng đang tương đối nhiều.
"Hiện, lượng nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01 vào khoảng gần 335.000 tỷ đồng. Nếu chia cho tổng dư nợ hiện tại là khoảng 8,5 triệu tỷ đồng thì nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%. Đây sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021”, ông Lực nhấn mạnh.
Thanh Hoa