Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng nay (8/9), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giá mua – bán ngoại tệ. Theo đó, giá bán ra USD từ đầu mối này đã tăng vọt lên 23.700 VND/USD, tăng 300 VND so với sáng ngày 7/9. Trong báo cáo mới phát hành gần đây, các chuyên gia phân tích SSI cũng dự báo đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên. Do vậy, không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD.
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng nay được điều chỉnh tăng giảm trái chiều nhau. Chẳng hạn, VietinBank tăng 8 đồng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với sáng qua, lên mức 23.460 – 23.740 VND/USD. Trong khi đó, Sacombank đang niêm yết USD ở mức 23.460 – 23.710 VND/USD, giảm 36 đồng ở chiều mua và tăng 15 đồng chiều bán. Tỷ giá tại Techcombank đang là 23.435– 23.720 VND/USD, giảm 15 đồng ở chiều mua và 20 đồng chiều bán so với sáng qua.
Trước áp lực của tỷ giá, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lập đỉnh sau gần 7 năm. |
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, giá USD bán ra của Sở Giao dịch NHNN đã tăng gần 2,4% trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng cũng tăng 3,5%.
Mặc dù VND vẫn nằm trong nhóm đồng tiền mất giá ít nhất so với USD trên thế giới, song việc NHNN giảm dự trữ ngoại hối từ đầu năm tới nay đang gây nhiều lo ngại. Theo thống kê của một số chuyên gia phân tích, trước áp lực tỷ giá lớn, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 13 tỷ USD để can thiệp thị trường, khiến dự trữ ngoại hối của Việt Nam giảm khoảng 12%.
Mặc dù 8 tháng đầu năm Việt Nam vẫn xuất siêu gần tỷ USD song nguồn ngoại tệ dự trữ giảm dần cộng với xuất siêu cả năm 2022 dự kiến chỉ đạt 1 tỷ USD, thay vì 4 tỷ USD năm ngoái khiến nỗi lo mỏng ngoại tệ lại tăng lên, trong khi đà tăng của USD vẫn chưa ngừng.
Trước áp lực của tỷ giá, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng mạnh. Cụ thể, trong vòng một tuần tính đến ngày 25.8.2022, phân tích thị trường của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã có diễn biến tăng mạnh trở lại, lần lượt ở mức 1,31%, 1,40% và 1,54%, quay trở lại mức 3,74%, 4,08% và 4,32%/năm.
Đáng lưu ý, xu hướng tăng kéo dài đến ngày 7/9 lập đỉnh sau gần 7 năm. Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 6/9, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã chạm mức 5,44%/năm, 1 tuần là 5,63%/năm, 2 tuần là 5,68%/năm, bất chấp NHNN liên tục bơm ròng ra thị trường.
Cụ thể, trong 3 ngày từ 29/8 – 31/8, nhà điều hành tiền tệ đã bơm ra khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng thông qua kênh OMO với lãi suất tăng lên 4,5% cho kỳ hạn 7 ngày. Bên cạnh đó, nhờ lượng tín phiếu đáo hạn tương đối lớn (35 nghìn tỷ đồng), tổng cộng Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 53 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù đã có hành động can thiệp từ NHNN nhưng thanh khoản hệ thống vẫn căng thẳng. Điều này còn được thể hiện ở việc lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh nhưng số lượng các thành viên vay vốn trên thị trường vẫn rất nhiều.
Trong phiên giao dịch ngày 6/9, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, đấu thầu lãi suất. Có gần 15.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,6%, tăng đáng kể so với mức 3,5%/năm nửa cuối tháng 8.
Trước đó, ngày 5/9 nhà điều hành cũng bơm gần 15.000 tỷ đồng qua OMO, có tới 13 thành viên phải mượn vốn ở đây.
Giới chuyên môn dự báo, trong ngắn hạn lãi suất liên ngân hàng có xu hướng lập đỉnh mới, bởi những tháng cuối năm nhu cầu vốn tăng cao, trong khi tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với huy động, buộc ngân hàng phải tăng lãi suất để hút vốn.
Đặc biệt, ngày 7/9 NHNN đã chính thức nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Do đó, một số ngân hàng đã rục rịch cho mở lại hoạt động giải ngân vốn đã bị ùn ứ lâu nay. Điều này cũng góp phần lý giải cho diễn biến thanh khoản căng thẳng cục bộ vài ngày gần đây.
Thanh Hoa