Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, các ngân hàng sẽ được cấp bổ sung "room" tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2021.
Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,…), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn thông qua miễn giảm lãi suất và phí.
VCBS dự báo, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến sẽ đạt 13 - 15% trong năm 2022. |
VCBS cho rằng các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như Techcombank, TPBank, VPBank, MB, ACB, HDBank, VIB, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
Trước đó, NHNN đã thực hiện nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2 lần vào quý III và quý IV năm nay cho hơn 10 nhà băng. Trong đó, TPBank là ngân hàng được cấp "room" tăng trưởng cao nhất là 23,4%; Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Trong nhóm ngân hàng quốc doanh với quy mô tài sản triệu tỷ đồng, Vietcombank được cấp hạn mức tín dụng cao nhất là 15%.
Phát biểu tại tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12% và có thể điều chỉnh linh hoạt với tình hình thực tế. Đến cuối tháng 11, dư nợ tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu 12% đề ra. Đồng thời, NHNN cũng sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.
Trong giai đoạn vừa qua, VCBS cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa cao giữa các nhà băng. Cụ thể, nhóm ngân hàng tư nhân có nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào, cách tiếp cận thị trường năng động, nắm nhiều data và tuân thủ theo các chuẩn quản trị rủi ro quốc tế được cấp room tín dụng cao hơn và có tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt trội so với mức trung bình toàn hệ thống.
Thị phần tín dụng của các ngân hàng tư nhân theo đó liên tục cải thiện từ mức 42% năm 2015 lên chiếm 46% vào quý III/2021.
Bên cạnh đó, nhờ có mô hình hoạt động hiệu quả, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của nhóm ngân hàng tư nhân cũng tăng từ mức 39% lên 64% trong cùng khoảng thời gian.
Trong giai đoạn 5 năm qua, tín dụng bán lẻ đang là động lực tăng trưởng chính của tín dụng hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã tăng từ mức 31% năm 2015 lên mức 42% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý III/2021.
Với đặc điểm nền kinh tế khối doanh nghiệp FDI đóng góp một phần lớn trong GDP cả nước, tỷ lệ lao động có việc làm thu nhập cao tăng lên giúp tài sản gia tăng và thúc đẩy nhu cầu vay nợ tiêu dùng.
Tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được các ngân hàng ưu tiên hơn khi hệ số rủi ro khi tính CAR ở mức thấp hơn cho vay doanh nghiệp lớn theo Thông tư 41. Hai sản phẩm bán lẻ có quy mô dư nợ lớn hiện tại là cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô, và quy mô hai sản phẩm này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh hàng năm.
VCBS dự báo, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến sẽ đạt 13 - 15% trong năm 2022. Nhóm ngân hàng có hệ số CAR cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức room tín dụng cao hơn trung bình ngành.
Thanh Hoa