Để đảm bảo cho các khoản vay của khách hàng, ngân hàng chấp nhận nhiều loại tài sản như bất động sản, quyền sử dụng đất, cổ phiếu, trái phiếu, quyền thu hồi nợ, tiền gửi, phương tiện vận tải… Khi việc huy động vốn khó khăn, cổ phiếu lại trở thành công cụ khá phổ biến giúp các doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Masan, Hoà Phát có thể vay vốn ngân hàng.
Thế chấp cổ phiếu, dễ vay nghìn tỷ
Câu chuyện nợ nần của công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) còn chưa sáng tỏ, song điều đáng nể là tập đoàn này đã vay được số vốn rất lớn từ các ngân hàng như BIDV, Eximbank, HDBank, VPBank… thông qua tài trợ vốn vay, phát hành trái phiếu.
Một chủ nợ lớn của HAG là ngân hàng BIDV và công ty chứng khoán BSC đã mua hơn 5.950 tỷ đồng trái phiếu của HAG, được bảo đảm bằng nhiều loại tài sản (đất đai, tài sản dự án). Số dư nợ mới nhất của HAG do lãnh đạo BIDV tiết lộ gần đây là khoảng 10.550 tỷ đồng.
Trong khối nợ “khủng” của HAG phải kể đến một số khoản vay nghìn tỷ, được bảo đảm bằng cổ phiếu HAG và HNG – công ty CP nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico)- thuộc tập đoàn.
Đơn cử, cuối năm 2015, HAG còn dư nợ vay 170 tỷ đồng tại HDBank, có tài sản hình thành từ vốn vay là thức ăn cho bò và 5 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức- Chủ tịch HĐQT của Hoàng Anh Gia Lai.
Lô trái phiếu trị giá 650 tỷ đồng (phát hành tháng 4/2014) cho HDBank với tài sản bảo đảm là cổ phiếu, gồm: 67,27 triệu cổ phiếu HAN (nay là HNG) thuộc sở hữu của HAG, 196,36 triệu cổ phần HAN và các khoản tiền, tài sản còn lại sau khi được Eximbank – Sacombank xoá thế chấp… Số 196,36 triệu cổ phiếu HAN này cũng được thế chấp đồng thời cho 600 tỷ đồng trái phiếu được bán cho VPBank. Ngoài ra, VPbank còn mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu HAG, được bảo đảm bằng 74 triệu cổ phiếu HNG và 4,7 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của ông Đoàn Nguyên Đức, 1.000 tỷ đồng trái phiếu được bảo đảm bằng 110 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của HAG và 4,7 triệu cổ phiếu sở hữu của Bầu Đức…
Với cam kết hỗ trợ vốn cho các dự án nuôi bò sữa, bò thịt, cao su, mía đường ở trong và ngoài nước, các ngân hàng đã “bơm” vốn ồ ạt cho HAG thông qua cho vay, mua trái phiếu. Tính đến 31/12/2015, HAG có tới 14.095 tỷ đồng nợ vay trái phiếu các loại trên tổng quy mô nợ vay 35.100 tỷ đồng.
Chỉ trong vòng 4 năm (2011-2014), HAG đã huy động tới 8.305 tỷ đồng nhờ bán trái phiếu quy mô lớn. Lô trái phiếu giá trị 2.500 tỷ đồng được phát hành tháng 4/2012 đã được các ngân hàng Sacombank, Eximbank, ACBS… mua “gọn”, sau đó nhanh chóng “sang tay” cho các ngân hàng BacABank, HDBank, Banviet Bank (tính đến ngày 30/6/2015).
Có thể thấy, các đợt phát hành của HAG thành công mỹ mãn với sự “hậu thuẫn” từ nhiều ngân hàng lớn, công ty chứng khoán trong vai trò nhà đầu tư, hoặc đại lý thu xếp phát hành, như: BIDV, công ty Chứng khoán BSC, Sacombank, Eximbank, ACBS, VPbank, HDBank, BacABank, VPBS…
Ngân hàng cần tính toán kỹ lưỡng, xác định giá trị thị trường của cổ phiếu, dự lường giảm thiểu rủi ro
Rủi ro cổ phiếu “bốc hơi”
Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng đẩy mạnh huy động vốn vay ngân hàng, thế chấp bằng tài sản cổ phiếu. Bài toán vay vốn như thế nào, thế chấp tài sản gì có lẽ đã được các chủ doanh nghiệp tính toán kỹ và ngân hàng cho vay cũng “gật đầu” chấp thuận.
Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) cũng có quy mô vay nợ rất lớn, ngày càng “phình” to. Đến cuối 2015, dư nợ vay của Hòa Phát đã tăng lên mức 6.117 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho hay, các khoản vay ngắn hạn của Hoà Phát (gần 5.450 tỷ đồng) được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định, chi phí trả trước dài hạn, cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của một số thành viên HĐQT Hoà Phát…
Hoà Phát không cho biết cụ thể số lượng cổ phiếu HPG và danh tính lãnh đạo công ty đã thế chấp tài sản cổ phiếu cho các khoản nợ vay của doanh nghiệp.
Ở lĩnh vực khai khoáng, công ty CP Tập đoàn Masan (mã MSN) cũng huy động vốn rất lớn thông qua phát hành trái phiếu. Tại ngày 31/12/2015, nhóm công ty Masan có tổng số trái phiếu lên tới 17.300 tỷ đồng, được đảm bảo bằng 403 triệu cổ phiếu MSC - công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (công ty con do tập đoàn nắm 77,8% vốn). Ngoài ra, Masan còn khoản vay ngắn hạn 380 tỷ đồng, thế chấp bằng 158 triệu cổ phiếu của công ty CP Tài nguyên Masan…
Thời gian qua, các ngân hàng nhận tài sản thế chấp bằng cổ phiếu là khá phổ biến, nhất là với các khoản vay lớn giữa lúc tình hình huy động vốn khó khăn. Cổ phiếu cũng được đánh giá là tài sản có tính thanh khoản cao, giao dịch thuận tiện song lại ẩn chứa nhiều rủi ro về biến động giá.
Đơn cử: thị trường chứng khoán suy thoái, doanh nghiệp có thông tin xấu thì giá cổ phiếu lập tức “lao dốc không phanh”. Cú trượt giá thảm hại của mã HAG hồi đầu năm 2016 từ mức trên 30.000 đồng/CP xuống mức đáy 7.000 đồng/CP đã khiến bao nhà đầu tư điêu đứng, khóc ròng…
Do đó, khi nhận thế chấp cổ phiếu, ngân hàng cần tính toán kỹ lưỡng, xác định giá trị thị trường của cổ phiếu, dự lường giảm thiểu rủi ro để tránh rơi vào tình thế khó xử, khó siết nợ vì tài sản bảo đảm hao hụt.
Thu Hằng