Theo báo cáo tài chính năm 2021 mới được các ngân hàng công bố, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng, ví dụ như VPBank (tăng 60% so với năm 2020), VietinBank (49%), VIB (58%), HDB (43%)… Bình quân số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.
Xử lý nợ xấu sẽ bế tắc trong quá trình chuyển giao
Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 3 thông tư chưa có tiền lệ cho phép cơ cấu lại nợ, không phải chuyển nhóm và trích lập dự phòng rủi ro trong một số năm xác định. Thống kê tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân của 28 NHTM niêm yết và Agribank (chiếm khoảng 80% thị phần tổng tài sản) đã tăng lên mức 150% cuối năm 2021, là mức cao nhất từ trước tới nay. Cá biệt, có nhà băng gia tăng tỷ lệ này lên 400%.
Nguy cơ gia tăng nợ xấu tiềm ẩn. |
Các ngân hàng đánh giá, trong 5 năm qua, Nghị quyết 42 đã giúp ngân hàng phá tan "cục máu đông" nợ xấu trong nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Vấn đề các nhà băng lo lắng hiện nay là Nghị quyết sẽ chấm dứt hiệu lực trong vòng nửa năm tới, nếu không có chính sách chuyển tiếp thì việc đòi nợ và tín dụng đóng băng là nguy cơ hiện hữu.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng rất cần đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị quyết 42 để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, với thời gian và tiến độ nhanh hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, quá trình Quốc hội thông qua Luật xử lý nợ xấu phải có thời gian, trong quá trình chờ đợi, nợ xấu sẽ không ngừng gia tăng. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng còn đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng theo hướng quy định cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được lựa chọn áp dụng quy định của Luật xử lý nợ xấu để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trước khi Luật được thông qua, có hiệu lực.
“Việc các TCTD thực hiện xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dựa trên quy định của Luật về xử lý nợ xấu sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao tương ứng với các luật khác để khắc phục được những hạn chế, rào cản pháp lý trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết 42 hiện nay”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Thậm chí, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực kiến nghị gia hạn điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian gia hạn khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, kịp thời tháo gỡ ngay những vướng mắc đã được chỉ ra.
Luật không ràng buộc các điều kiện về quyền thu giữ tài sản
Liên quan đến quá trình sửa đổi Nghị quyết 42, các chuyên gia và đại diện ngân hàng cho rằng, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 đã xuất hiện nhiều bất cập khiến công tác xử lý nợ xấu chưa thật sự hiệu quả.
Nêu lên thực tế vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ông Phan Thanh Hải, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, quyền lớn nhất theo các TCTD đánh giá là quyền thu giữ tài sản, nhưng quá trình thu giữ tài sản bảo đảm lại phải được sự đồng thuận của con nợ. “Như vậy, có cơ chế mà không có chế tài, nên khi con nợ chây ỳ thì không thu giữ được. Đây là mấu chốt cần phải sửa trong Nghị quyết 42, hoặc Luật hoá Nghị quyết 42”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, khi thu giữ tài sản là bất động sản trong đó có tài sản gắn liền với bất động sản, con nợ thường viện dẫn vào đó để gây khó khăn khiến quá trình thu giữ tài sản bảo đảm không thực hiện được.
Tương tự, Nghị quyết 42 cho phép các TCTD thực hiện thủ tục rút gọn, song đến nay, BIDV chưa thực hiện được vụ nào. “BIDV thực hiện 8 vụ thu giữ tài sản bảo đảm theo trình tự rút gọn, chỉ có 3 vụ được giải quyết nhưng lại theo thủ tục thông thường. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là ở chỗ quy định giải quyết tranh chấp hợp đồng thế chấp”, ông Hải nhấn mạnh, Đồng thời cho hay: “Hiện nay, BIDV thu giữ thành công tài sản của 42 khách hàng với 115 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nợ xấu rất thấp”.
Từ những vấn đề này, các ngân hàng kiến nghị, kể cả khi ban hành Luật xử lý nợ xấu hay kéo dài Nghị quyết 42 cũng phải xử lý những tồn tại, bất cập hiện nay. Cụ thể, phải xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần chi tiết, cụ thể hai nội dung là chứng khoán hóa nợ xấu và mua bán nợ xấu. Đồng thời, Luật cũng phải có các quy định rõ hơn về quyền chủ nợ, không ràng buộc các điều kiện về quyền thu giữ tài sản.
Thanh Hoa