Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 9, người dân "gửi ròng" thêm vào hệ thống hơn 15.900 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp, tiền gửi của người dân "chảy" vào ngân hàng tăng. So với cuối tháng 8, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2022, tiến gửi tăng thêm 583.494 tỷ đồng.
Còn so với thời điểm đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 9,95%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2018.
Như vậy, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.
Tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9 đạt gần 6,45 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với hồi đầu năm. |
Tiền gửi của dân cư chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, sau cuộc đua nâng lãi suất lên cao của các nhà băng. Cuộc chạy đua giai đoạn này đẩy lãi suất huy động nhích dần từng ngày, có thời điểm vượt 10%/năm. Các khoản tiền gửi lãi suất cao thường có kỳ hạn một năm trở lên, sẽ dần đáo hạn từ tháng 10 năm nay đến đầu năm 2024.
Trong khi đó, lãi suất huy động với các khoản tiền gửi mới hiện xuống thấp kỷ lục, về dưới 6%/năm. Chẳng hạn, Vietcombank có mức lãi suất thấp nhất, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ là 5%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 2,9%/năm. BIDV, VietinBank và Agribank có mức lãi suất huy động cao hơn, như kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/ năm, kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng là 4,3%/năm…
Với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3 - 5,7%/năm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như "đóng băng". Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng 3 trở lại đây.
Còn đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỷ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỷ đồng so với cuối tháng 8 và tăng 4,65% so với hồi đầu năm.
Tính chung, tiền gửi của dân cư và khối tổ chức chảy vào hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm. Tổng phương tiện thanh toán (gồm cả các khoản giấy tờ có giá) do các nhà băng nắm giữ đến hết tháng 9 đạt hơn 15 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,6% so với đầu năm.
Thanh Hoa