Theo các chuyên gia, đến nay, khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng chỉ dừng lại ở các giao dịch điện tử, một số lĩnh vực khác như ứng dụng chuỗi khối (Blockchain) mới có các hướng dẫn về việc cần đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, chưa xác định rõ sẽ vận hành như thế nào.
Những con số ấn tượng
Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng “dồn sức” thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, thị trường liên tục xuất hiện những ứng dụng ngân hàng số mới để "giữ chân" khách hàng hiện hữu, cũng như thu hút khách hàng mới.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Sacombank đạt gần 3.280 tỷ đồng, tăng gần 85% trong 6 tháng đầu năm nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số. |
Ngân hàng chuyển đổi số nhanh, người dân ngày càng tin tưởng lựa chọn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ đó các hoạt động như mua bán đặt hàng, giới thiệu hàng và giao hàng của doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ được thực hiện nhiều hơn trên nền tảng số.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021; trong đó qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127%.
Hiện đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) tính đến tháng 6/2022.
Tại các ngân hàng, do chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi số từ nhiều năm trước với việc dành nhiều nguồn lực vào ngân hàng số, các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ và tính tự động cao. Nhờ vậy, lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số của các nhà băng tăng trưởng mạnh.
Hiện tại, số lượng khách hàng mới thông qua kênh số của TPBank đang có tốc độ tăng trưởng 50 - 60% mỗi năm, đóng góp hơn 60% số lượng khách hàng mới. Số lượng giao dịch qua kênh số chiếm đến 95% tổng số lượng giao dịch của ngân hàng, đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 150% so với năm trước đó.
Còn tại BIDV, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Quỳnh Giao cho biết, thời gian vừa qua, với nỗ lực triển khai số hoá các hoạt động, tỷ trọng số lượng giao dịch trên kênh số của ngân hàng đã chiếm tới 93%, số lượng giao dịch trên kênh số năm 2021 bằng 3 năm trước cộng lại, tốc độ tăng trưởng khách hàng theo cấp độ nhân qua các năm; nhờ giải pháp e-KYC, số lượng khách hàng mở tài khoản thành công trên ứng dụng của BIDV đã lên tới 2 triệu khách hàng.
Từ những con số này đã mang lại kết quả kinh doanh khởi sắc cho ngân hàng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của VPBank, thu từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng vượt trội 34% so với cùng kỳ, với hơn 2.787 tỷ đồng. Trong đó, thu từ thẻ tín dụng tăng 22% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được hậu thuẫn không nhỏ bởi dòng sản phẩm thẻ tín dụng đa dạng đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau dịch Covid-19.
Với các ngân hàng khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức tăng đáng kể: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Techcombank đạt gần 3.870 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước; TPBank đạt 1.192 tỷ đồng, tăng 71,7%; SHB đạt gần 380 tỷ đồng, tăng 45%; HDBank đạt hơn 1.090 tỷ đồng, tăng gấp đôi; Sacombank đạt gần 3.280 tỷ đồng, tăng gần 85%...
Cần sớm hoàn thiện pháp lý
Xác định chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà buộc phải chọn để định hình tương lai phát triển của tổ chức mình, hành trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng không đơn giản mà ở một quy mô rất lớn.
Ông Đỗ Việt Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, công việc chuyển đổi số là cốt lõi trong chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn của ngân hàng. Ban lãnh đạo Vietcombank đã ban hành chương trình hành động chuyển đổi số với 2 cấp độ bao gồm hành động chuyển đổi số với 7 nhóm, 15 chỉ tiêu và kế hoạch chuyển đổi số với 304 hành động cụ thể, bao quát tất cả trụ cột từ số hóa dữ liệu, công nghệ; thành lập Trung tâm dữ liệu và phân tích; tuyển dụng nhân sự là các chuyên gia trong nước và quốc tế có năng lực thích ứng với chuyển đổi số...
Đại diện Techcombank chia sẻ, từ 2016-2020, ngân hàng đã đầu tư lên tới 300 triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2025), Techcombank sẽ tiếp tục dành 500 triệu USD để triển khai mạnh mẽ với các trụ cột "số hóa – dữ liệu – nhân tài". Ở thời điểm hiện tại, 15% nguồn nhân lực của ngân hàng đang phụ trách các công việc liên quan đến công nghệ và dữ liệu và cần tăng tỷ lệ này lên 20-25% để hiện thực hóa các mục tiêu trong tương lai.
Dù vậy, lãnh đạo các ngân hàng nhận định, chuyển đổi số vẫn là “bài toán khó”, do đầu tư với quy mô không nhỏ nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi cần thời gian trả lời, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí nên việc bao giờ tạo ra hiệu quả là không đơn giản.
Ông Hùng cũng cho biết, quá trình chuyển đổi số ngân hàng gặp một số khó khăn, thách thức bởi chuyển đổi số cần sự chính xác nên cần trung tâm phân tích dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.
Riêng về vấn đề pháp lý, đây vẫn là khó khăn chưa có hồi kết với các ngân hàng, mặc dù NHNN liên tục cam kết sẽ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho chuyển đổi số. Đại diện BIDV kiến nghị các cơ quan ban hành sớm quy định về định danh điện tử, đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân như thuế, bảo hiểm, telco (viễn thông), đăng ký giao dịch, công chứng, chứng khoán... tiến tới định hạng tín nhiệm công dân quốc gia. Điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch trong việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Cùng với đó, BIDV kiến nghị Bộ Công an cho phép tích hợp VNeid với các ứng dụng của ngân hàng (qua API, SDK) để sử dụng tính năng xác thực, khai thác thông tin trực tuyến trên kênh số khi có sự chấp thuận của người dân. Về phía NHNN cũng cần có các Thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử như cho vay, xác thực giao dịch... bằng ứng dụng Căn cước công dân gắn chip, VNeid.
Huyền Anh