Trao đổi với VnBusiness, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cạnh tranh CASA giữa các ngân hàng thời gian tới sẽ ngày càng cam go hơn và sẽ có sự phân hoá mạnh giữa các nhà băng.
Tăng CASA là mục tiêu
Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 của 24 ngân hàng cho thấy, có tới 19 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA đi lên trong năm qua, trong đó, nhóm 3 ngân hàng dẫn đầu đã có sự thay đổi.
Để tăng sự cạnh tranh, nhiều ngân hàng đã thực hiện chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng số. |
Nhờ thế mạnh của mạng lưới sinh thái lớn Techcombank vẫn thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất trên thị trường, giúp tỷ lệ CASA của ngân hàng đạt mức cao nhất là 50,5%. Tiếp đến là MB tăng 48,7% nhờ lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng tới 47,3%.
Đáng lưu ý, trong năm qua, MSB đã vượt qua Vietcombank để lọt vào top 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống. Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, số dư tiền gửi khách hàng của MSB đã tăng 8,1%, đạt 94,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tăng tới 33% so với cùng kỳ, nhờ đó nâng tỷ lệ CASA từ mức 29% cuối năm 2020 lên 37,73%.
Đáng nói, năm qua nhiều nhà băng có quy mô nhỏ ghi nhận sự bứt tốc về tăng trưởng CASA như: Kienlongbank tăng mạnh từ 3,3% hồi đầu năm lên 15,5% kết thúc năm 2021. Tại BacABank tăng từ 1,7% lên 3,3%.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này tăng mạnh bao gồm MSB tăng 6,7 điểm %, VIB tăng 4,1 điểm %, TPB tăng 3,9 điểm %…
Dù tỷ lệ CASA của các nhà băng tăng mạnh trong năm qua, tuy nhiên, một điều có thể nhìn thấy khá rõ là sự chênh lệch khá lớn giữa các nhà băng. Trong khi tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn đã chiếm tới trên dưới một nửa tổng tiền gửi tại Techcombank hay MB thì tại một số ngân hàng như VietBank hay BacABank, tỷ lệ này còn chưa tới 5%.
Sự phân hóa này một mặt phản ánh giá trị nền tảng mà mỗi ngân hàng thiết lập được trong chiến lược ngân hàng bán lẻ, CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.
Thực tế cho thấy, những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao đều là các nhà băng triển khai sớm và mạnh chính sách "zero fee" - miễn phí giao dịch ngân hàng và theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ CASA nhằm giảm chi phí giá vốn.
Mặt khác, tỷ lệ CASA phản ánh niềm tin và đánh giá của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán của ngân hàng.
CASA ở mức cao ngân hàng càng hưởng lợi
Các chuyên gia nhận định, miễn phí dịch vụ là bước đi của các ngân hàng không chỉ tăng tỷ lệ CASA mà còn thu hút được nhiều khách mới. Đây là yếu tố quan trọng đối với các ngân hàng đang chuyển dịch trọng tâm sang phân khúc bán lẻ. Cơ sở khách hàng cá nhân lớn sẽ giúp ngân hàng đẩy mạnh bán chéo sản phẩm như bảo hiểm, trái phiếu, dịch vụ ngân hàng khác…
Với chi phí vốn gần như bằng 0, tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng sở hữu tỷ lệ CASA càng lớn thì càng có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), và đây cũng là tiền đề quan trọng giúp họ có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, CASA càng được cải thiện thì nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng càng tăng. Chi phí đầu vào thấp tất yếu sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, trong năm nay NIM của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ giảm do nhiều yếu tố, trong đó có việc nỗ lực hạ lãi suất cho vay của ngân hàng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Thêm nữa, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được dự báo sẽ trên 2% vào năm 2021 và có thể tăng lên 2,3-3,5% trong năm 2022, thậm chí còn có thể tăng cao hơn khi quy định cơ cấu lại nợ hết hiệu lực.
"Điều này buộc các ngân hàng phải tăng thêm nguồn lực dự phòng rủi ro. Do vậy, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA cao, NIM sẽ cải thiện tích cực và ngược lại. Theo đó, sẽ có sự phân hoá biên lãi ròng giữa các ngân hàng", TS Hiếu nói.
Đặc biệt, Chính phủ vừa có chỉ đạo nghiên cứu giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo đó, dự kiến giới hạn này sẽ chưa bị siết lại từ 37% về 34% và xuống 30% thời gian tới. Theo đó, ngân hàng nào càng có tỷ lệ CASA ở mức cao sẽ càng được hưởng lợi, đặc biệt là tại các thành viên đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức cao.
Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, CASA vẫn tiềm ẩn mặt thứ hai, tính lỏng lẻo trong cơ cấu cân đối vốn cùng độ nhạy với mức độ thay đổi lãi suất, đặc biệt lãi suất huy động tại Việt Nam đã và đang dần tăng cao trở lại.
Thanh Hoa