Tính đến hết quý III/2020, nợ xấu ngành ngân hàng tăng tương đối mạnh, khoảng 30% so với cuối năm 2019 ở nhóm các ngân hàng niêm yết, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý cuối năm nay.
Hai "gam màu" đối lập
“Soi” báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 có thể thấy, hàng loạt nhà băng đã tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng của các khoản nợ xấu) lên trên 100%.
Chẳng hạn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank lên tới 215,2%, so với mức 179,5% hồi đầu năm; MB tăng từ 110% lên 119%; Techcombank tăng lên 148% từ mức 95%; BacABank đạt 124%, ACB là 117%…
Lợi nhuận của PG Bank giảm gần 70% trong quý III/2020, đạt hơn 21 tỷ đồng, cũng do chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp gần 3,4 lần cùng kỳ. (Ảnh: Int) |
Một số ngân hàng khác dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu chưa đạt 100%, song cũng ghi nhận con số khá cao: TPBank đạt 92%, BIDV: 87%, Vietinbank: 84%...
Ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất thấp, như: VIB đạt 48%, VPBank là 47,9%. Đáng lưu ý, KienLongBank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ đạt 16,9%.
Nhìn vào con số trên có thể thấy, đang có sự chênh lệch đáng kể giữa các nhà băng về tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân là khẩu vị và lựa chọn của mỗi ngân hàng khác nhau.
Thông thường, khi xuất hiện nợ xấu, các ngân hàng sẽ trích lập dự phòng rủi ro để kiểm soát chất lượng tài sản. Theo đó, ngân hàng sẽ dành một số tiền được lấy từ lợi nhuận để “bao phủ” cho các khoản vay có vấn đề. Khoản tiền dự phòng này được khấu trừ khỏi thu nhập hiện hành trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Chi phí dự phòng tăng đồng nghĩa quy mô lợi nhuận tính thuế của các ngân hàng sẽ giảm xuống, thuế phải nộp sẽ ít đi.
Khi mỗi đồng nợ xấu được xử lý, thu hồi, số tiền trích lập dự phòng sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập bất thường. Vì thế, nhiều ngân hàng cho rằng, khoản chi phí dự phòng này như “của để dành” sẽ quay trở lại và làm tăng lợi nhuận tính thuế trong tương lai.
Tuy nhiên, năm nay, nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Theo đó, nhiều khoản vay vẫn được giữ nguyên nhóm nợ mà chưa phải chuyển thành nợ xấu. Vì vậy, một số nhà băng chưa thực hiện dự phòng rủi ro cho các khoản nợ này.
Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở một số ngân hàng thấp hơn so với các nhà băng khác.
Áp lực dự phòng còn tăng
Lãnh đạo các ngân hàng cũng thừa nhận, trước khó khăn của dịch bệnh, việc kiểm soát chất lượng tài sản là yếu tố được đặt lên hàng đầu đi kèm với nỗ lực xử lý nợ xấu. Do đó, khả năng dự phòng rủi ro sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới ngành ngân hàng sẽ có độ trễ và có thể kéo dài sang năm 2021.
Bên cạnh đó, Thông tư 01 hiện nay vẫn giữ nguyên nhóm nợ, nên nợ xấu được tạm giữ đó, nhưng khi Thông tư hết hiệu lực, nợ xấu sẽ tăng nhanh với hệ thống các ngân hàng thương mại.
Các chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng đưa ra dự báo, đến cuối năm 2020, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ lên khoảng 3%, còn nợ xấu gộp (gồm cả nợ xấu các tổ chức tín dụng bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn) sẽ ở mức khoảng 4,5% và sang năm 2021 sẽ tăng lên 5-5,5%.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nợ xấu tăng tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, từ lợi nhuận đến khả năng tăng vốn điều lệ.
Trước dự báo nợ xấu tiếp tục gia tăng, ông Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tính toán lại thời điểm hết hiệu lực của Thông tư 01 theo hướng có lộ trình để không tạo cú sốc cho nợ xấu tăng nhanh với hệ thống các ngân hàng thương mại.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng buộc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận tăng thấp trong 2 năm tới để có nguồn lực cho xử lý nợ xấu.
"Tuy nhiên, có tín hiệu đáng mừng là trong thời gian vừa qua, năng lực tài chính của các ngân hàng đã tăng lên khá nhiều, nên khả năng chống đỡ với các cú sốc, năng lực để xử lý nợ xấu cũng đã tốt hơn", ông Lực nói.
Huyền Anh