Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 10/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép bổ sung hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho 8 ngân hàng thương mại trong nước.
Từ đầu năm đến nay đang chứng kiến chuyện các ngân hàng đua nhau kiếm tiền từ kinh doanh ngoại hối. Không chỉ có các “ông lớn” như VietinBank hay BIDV, các ngân hàng tầm trung như MB, Sacombank, Techcombank, ACB hay Eximbank cũng đẩy rất mạnh hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, thu nhập ròng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng đạt 3 con số như: Viettinbank tăng 25,2%, đạt 164 tỷ đồng; ngân hàng BIDV đạt 513 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Dù được đánh giá là ngân hàng “top dưới” nhưng lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối đem về cho Techcombank 203 tỷ đồng, tăng 25,7%. Hay như ngân hàng Eximbank chỉ tính riêng trong quý III/2017, hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về 56 tỷ đồng, tăng 51%.
Ngoài ra, một số TCTD có tốc độ tăng trưởng cho vay ngoại tệ rất cao, như MB tăng đến 24,9%, VPBank tăng tới 45,5%, BIDV tăng 196%, Vietinbank có số dư lên đến 89,8 nghìn tỷ đồng.
Với kết quả cực kỳ khả quan trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, nhiều ngân hàng trước đây “bỏ ngỏ” nay đã bắt đầu kinh doanh mảng dịch vụ này.
Mới đây, NHNN đã cấp phép bổ sung hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho hàng loạt ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Saigonbank); Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) và Ngân hàng TMCP Nam Á,…
Chỉ tính riêng trong hai ngày 24 và 25/10, có tới 4 ngân hàng được NHNN chấp thuận cho phép kinh doanh ngoại hối trong nước và trên thị trường quốc tế. Đó là, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
Trước đó, mảng dịch vụ này chủ yếu “rơi vào tay” các ngân hàng ngoại và đây cũng là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả nhất cho các nhà băng này khi chiếm tới 50% lợi nhuận như ngân hàng ANZ, HSBC, Shinhan Vietnam…
Cụ thể, năm 2016 lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của HSBC đạt 754 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2015. Tại Ngân hàng ANZ, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 252 tỷ đồng, tăng tới 210%. Ngân hàng Shinhan Vietnam mảng ngoại hối mang lại 249 tỷ đồng lãi thuần.
![]() |
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, thu nhập ròng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhiều ngân hàng đạt 3 con số như: Viettinbank tăng 25,2%, đạt 164 tỷ đồng; ngân hàng BIDV đạt 513 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Dự phòng rủi ro thấp
Hiện nay, nhiều ngân hàng bắt đầu chuyển dịch chiến lược tăng trưởng theo hướng giảm dần hoạt động theo phương thức truyền thống là dựa hoàn toàn vào tín dụng mà mở rộng sang ngoại hối, dịch vụ, chứng khoán…
Các chuyên gia đánh giá chính sách lãi suất 0% và sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá liên ngân hàng góp phần giúp tỷ giá USD ổn định, cùng với cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN theo hướng công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày dự báo sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại.
Thực tế, kinh doanh ngoại hối là mảng dịch vụ giúp các ngân hàng ít bị nợ xấu ăn mòn lợi nhuận và tỷ lệ an toàn vốn khá cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sang năm 2018, NHNN sẽ chuyển từ huy động – cho vay ngoại tệ, sang mua – bán ngoại tệ. Nếu phương thức mua – bán ngoại tệ được áp dụng rộng hơn thì mục tiêu tăng thu từ kinh doanh ngoại hối sẽ là bài toán khó đối với ngân hàng thương mại khi Ngân hàng Nhà nước chủ trương ngày càng linh hoạt trong điều hành tỷ giá.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng khi hoạt động mua-bán ngoại tệ được áp dụng theo cơ chế thị trường, các ngân hàng phải thận trọng theo dõi sát diễn biến điều hành tỷ giá của NHNN từ đó có những điều chỉnh hợp lý.
“Khi ở trạng thái dương, ngân hàng mua vào đúng thời điểm giá rẻ và bán ra với giá đắt thì có lời nhưng nếu ở trạng thái âm thì khá rủi ro, khi mua vào giá cao và bán ra giá rẻ thành ra các tổ chức ấy sẽ thua lỗ về mảng này”, một chuyên gia cho hay.
Huyền Anh