Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về việc tháo gỡ vướng mắc trong triển khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C).
VNBA cho biết trong các văn bản gửi các ngân hàng và VNBA, Tổng cục Thuế đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C theo đúng quy định của Luật thuế GTGT, Luật các TCTD năm 2010 và pháp luật có liên quan… mà không có hướng dẫn cụ thể, đã gây tâm lý rất hoang mang, lo lắng cho các TCTD trong thực hiện quy định pháp luật thuế.
Các ngân hàng gặp nhiều vướng mắc trong triển khai nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, các ngân hàng gặp nhiều vướng mắc trong triển khai nộp thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C.
Cụ thể, về nguồn nộp thuế, hạch toán tiền nộp thuế, VNBA cho rằng về bản chất, thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế là khách hàng. Trường hợp phải nộp bổ sung số thuế GTGT thư tín dụng đã phát sinh thì ngân hàng phải thực hiện liên hệ và thu lại từ khách hàng.
Tuy nhiên, việc thu từ khách hàng là không thể thực hiện được do khách hàng không đồng ý truy thu, không còn giao dịch với ngân hàng hoặc khách hàng đã giải thể/phá sản/không còn tồn tại…
Về việc kê khai bổ sung hồ sơ thuế, theo Hiệp hội, thời hạn kê khai bổ sung theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế được hiểu là từ thời điểm có hiệu lực của Luật các TCTD 2010 (tháng 1/2011).
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành (tại khoản 1 điều 47 Luật Quản lý thuế 2019) thì thời hạn để người nộp thuế kê khai tính nộp bổ sung thuế là 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
Như vậy, Hiệp hội cho rằng các ngân hàng bắt đầu kê khai, nộp bổ sung thuế GTGT hoạt động L/C bắt đầu từ tháng 11/2013 (tính từ ngày hết hạn nộp tờ khai thuế GTGT của tháng 11/2013), không phải từ tháng 1/2011.
Về việc kê khai, tính nộp nộp thuế tại các đơn vị, VNBA cho rằng thuế GTGT là thuế nộp theo tháng nên các ngân hàng phải kê khai bổ sung theo tháng. Việc này dẫn tới phát sinh một khối lượng công việc rất lớn cho các ngân hàng do phải rà soát hồ sơ và số liệu trong nhiều năm do các đơn vị cũng đã qua nhiều lần chia tách, sáp nhập.
Bên cạnh đó, số lượng tờ khai bổ sung, các bảng kê chi tiết theo quy định tại các đơn vị phát sinh nghĩa vụ nộp thuế GTGT hoạt động L/C rất lớn. Chỉ tính riêng Vietcombank phải khai bổ sung 120 tờ khai thuế tháng với 1 đơn vị. Theo đó, 126 đơn vị của ngân hàng này sẽ phải khai bổ sung 15.120 tờ khai thuế.
Về cách tính thuế GTGT: Theo Kiểm toán Nhà nước trong thời gian gần đây, khi thực hiện kiểm toán tại một số ngân hàng như: Vietcombank, Vietinbank… cho rằng: Phí thanh toán trước hạn (L/C nội địa, L/C xuất khẩu, EPLC) có bản chất là cho vay nên không chịu thuế GTGT;
Đối với sản phẩm UPAS L/C, ngân hàng chỉ hưởng lợi từ phần chênh lệch giữa doanh thu phí L/C (thu được từ khách hàng) và chi phí bỏ ra (số tiền lãi trả ngân hàng tài trợ và thuế nhà thầu phải nộp) và cho phép bù trừ doanh thu phí với số tiền lãi trả ngân hàng tài trợ và thuế nhà thầu).
Vì vậy, với số liệu năm 2020, 2021, 2022, Kiểm toán Nhà nước đã loại trừ các khoản phí này khi tính thuế GTGT bổ sung và một số ngân hàng đã nộp bổ sung thuế GTGT theo số liệu mà Kiểm toán Nhà nước tính (do báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc thực hiện).
Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, VNBA đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép các TCTD bắt đầu kê khai, nộp bổ sung thuế GTGT đối với hoạt động L/C kể từ kỳ thuế GTGT tháng 11/2013 theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế 2019.
Bên cạnh đó, cho phép TCTD hạch toán số tiền thuế GTGT đối với hoạt động LC truy thu từ năm 2013 đến nay vào chi phí bất thường trong năm thực hiện và được hạch toán giảm lợi nhuận do khoản thuế này là nghĩa vụ của khách hàng mà ngân hàng không thể thu hồi lại được từ khách hàng.
Đồng thời, cho phép TCTD kê khai thuế GTGT bổ sung theo từng năm, không phải kê khai điều chỉnh tờ khai của từng tháng; Cho phép TCTD nộp thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính, không phải kê khai và nộp thuế về cục thuế địa phương. Trường hợp cần điều tiết về Cục thuế địa phương, Tổng cục Thuế thực hiện điều tiết về Cục thuế địa phương.
VNBA cũng kiến nghị không xử phạt chậm nộp thuế GTGT cũng như phạt vi phạm hành chính do đây không phải là lỗi của các TCTD, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế theo khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế 2019.
Thanh Hoa