Tại buổi gặp gỡ các nhà phân tích chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra mới đây, lãnh đạo VPBank cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội tuy ảnh hưởng đến thu nhập lãi của ngân hàng nhưng lãi thuần (NIM) vẫn được duy trì ở mức 8.5% (hợp nhất) và 5.4% (riêng lẻ) trung bình 9 tháng năm 2021.
Hiện nay, không ngân hàng nào "đứng ngoài cuộc đua" nâng tỷ lệ CASA. |
Kết quả đáng khích lệ này có được nhờ ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn, thay đổi trong chiến lược tiếp cận khách hàng và cải thiện tỷ lệ CASA. Theo đó, tỷ lệ CASA tăng từ 18,8% cuối quý II/2021 lên mức 22,1% cuối quý III.
Tương tự, “khoe” với nhà đầu tư cá nhân, Phó tổng giám đốc thường trực Techcombank, ông Phùng Quang Hưng cho biết, CASA trong quý III/2021 đạt 155.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 10% so với quý II/2021. Tỷ lệ CASA của Techcombank tại thời điểm cuối quý III là 49%, mức cao so với toàn ngành.
Theo thông tin từ MB, trên nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tỷ lệ CASA tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, quy mô CASA tăng thêm 34.557 tỷ đồng, nâng tỷ lệ CASA lên 37,1%, tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2020.
Ngoài lợi thế là nguồn vốn rẻ, tỷ lệ CASA cao còn phản ánh niềm tin của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán.
Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,1%-0,2%/năm. Khi ngân hàng có tỷ lệ CASA càng cao, càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay và có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần.
Thực tế, trong 2 năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua ngày càng quyết liệt về tăng CASA. Nếu như trong 2 năm 2018 và 2019, Vietcombank, MB và Techcombank thường bám đuổi sít sao nhau với tỷ lệ CASA trên dưới 30%, thì từ năm 2020, tỷ lệ CASA ở các ngân hàng được nâng lên mức kỷ lục trên 40%, thứ tự dẫn đầu liên tục có sự thay đổi giữa các ngân hàng quy mô lớn và sự bứt tốc của các ngân hàng có quy mô vừa.
Chẳng hạn, tại MSB, nhờ các dịch vụ ngân hàng điện tử được đẩy mạnh trong giai đoạn dịch bệnh kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn và hầu hết đều miễn phí, nên CASA tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý III/2021 với 29.202 nghìn tỷ, chiếm tỷ lệ 31,07% trên tổng tiền gửi và ký quỹ, tăng hơn 54% so với cùng kỳ, nằm trong top cao trên thị trường. Ngân hàng đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng hướng đến mốc 40.000 tỷ CASA vào năm 2023.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng chiếm được ưu thế này, bởi muốn CASA tăng, trước tiên phải chịu chi phí đầu tư số hoá ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết: “Trong năm 2021, tổng giá trị đầu tư cho chiến lược số hóa của OCB vào khoảng 1 triệu USD với dự án nâng cấp hệ thống core banking vận hành vào cuối năm”. Và cũng nhờ việc đầu tư này, OCB đang “hái trái ngọt”.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021, tính trong 9 tháng từ đầu năm, nhà băng này ghi nhận 6.246 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động và lãi trước thuế 3.768 tỷ, tăng lần lượt 23% và 50% so với cùng kỳ. Đây cũng là kết quả kinh doanh 9 tháng tốt nhất mà OCB ghi nhận được từ trước đến nay.
Lãnh đạo OCB cho biết, việc áp dụng số hóa đã giúp OCB giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản, góp phần giúp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm và chi phí tín dụng cũng hạ thấp. Đây là các yếu tố chính tạo ra lợi nhuận của ngân hàng, dù OCB đã và đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, chính sách đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Một trong những ngân hàng "chịu chi" cho công nghệ số là VIB. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho hay, ngân hàng đẩy mạnh áp dụng các công nghệ hiện đại như Big Data, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây vào các giao dịch. Hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu, mang đến trải nghiệm giao dịch trực tuyến vượt trội cho người dùng như: áp dụng quy trình mở thẻ 100% trực tuyến trên tất cả dòng thẻ tín dụng hiện hành tại website VIB...
Nhờ đó, VIB trở thành ngân hàng bán lẻ lớn nhất hiện nay, chiếm tới 84% trên tổng tín dụng trong năm 2020 và phát triển vượt bậc trong 4 năm trở lại đây với gần 3 triệu khách hàng cá nhân.
Quá trình chuyển dịch đó giúp CASA của VIB đi lên đều đặn. Năm 2020, tỷ lệ CASA của ngân hàng tăng 71% và chiếm 10% tổng huy động mảng này. Trong 9 tháng đầu năm 2021, CASA cũng tăng trưởng ấn tượng gần 20%.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và trở thành “cú hích” khiến dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ. Vì vậy, dự báo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn sẽ ngày càng gia tăng, phục vụ nhu cầu thanh toán, mua sắm trực tuyến của khách hàng.
Thanh Hoa