Từ cuối quý II, việc giao khoán chỉ tiêu về huy động, cho vay, bán lẻ… được thực hiện quyết liệt hơn để đảm bảo nhu cầu vốn của doanh nghiệp, dân cư dịp cuối năm tăng đột biến. Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, cuộc đua "chạy" chỉ tiêu đang sôi động nhất ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần.
Khoán và… phạt!
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã và đang dần hồi phục hoạt động kinh doanh sau cú sốc Bầu Kiên hồi năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt mức 10,34% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Dư nợ tín dụng đạt 128.353 tỷ đồng tại ngày 30/6/2015. Lũy kế lãi thuần của ACB tăng 13,8% so với cùng kỳ, đạt gần 2.757 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 570,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,69%, giảm mạnh so với mức 2,18% (cuối năm 2014)…
Anh N.V.T – cán bộ tín dụng của Ngân hàng ACB (quận I, Tp.HCM) cho biết, thời điểm này, các nhân viên đều phải chạy đua nước rút để hoàn thành chỉ tiêu được hội sở ngân hàng giao cho từng chi nhánh, phòng giao dịch.
"Mỗi nhân viên tại ACB đã được giao chỉ tiêu cả năm và giờ phải lo chạy cho đủ. Tôi hiện còn phải thực hiện chỉ tiêu khoảng 6 tỷ đồng dư nợ nữa cho các tháng cuối năm. Nếu không hoàn thành, tùy theo thang điểm đánh giá, sẽ bị xử phạt, trừ lương"- anh T nói.
Anh T cũng giải thích thêm về cách khoán chỉ tiêu của ACB, đó là hệ thống tính điểm sẽ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân viên (Bộ tiêu chí đánh giá). Nhân viên không đạt chỉ tiêu sẽ bị xử phạt theo nhiều hình thức, gồm việc hạ cấp nhân viên và tương ứng bị giảm lương theo bậc.
"Với nhân viên mới vào sẽ khó khăn để đạt chỉ tiêu tín dụng, vì giờ cho vay cũng còn khó. Nhưng nhân viên làm lâu, có kinh nghiệm, các mối quan hệ thì cơ bản vẫn đảm bảo đủ chỉ tiêu thôi"- Anh T chia sẻ.
Mấy ngày nay, các nhân viên giao dịch tại chi nhánh SeaBank (Hà Hội) cũng lo lắng vì bị khoán chỉ tiêu huy động vốn. Một giao dịch viên mới cho hay, hội sở áp chỉ tiêu cho từng chi nhánh, phòng giao dịch để "khoán" cho từng nhân viên.
Nhiều ngân hàng đang rốt ráo việc giao khoán chỉ tiêu kinh doanh về huy động vốn
"Ở phòng giao dịch của em đang dự kiến mỗi giao dịch viên phải huy động vốn tối thiểu 500 triệu đồng/tháng, nếu không huy động thì cho vay. Không làm được sẽ bị nộp phạt"- Nhân viên này chia sẻ và cho biết, đang phải "huy động" người thân, bạn bè để "chạy" cho đủ chỉ tiêu, hạn chế bị nộp phạt vì thu nhập của giao dịch viên cũng không cao.
Các cấp lãnh đạo chi nhánh, phòng giao dịch cũng đối mặt với áp lực chỉ tiêu nặng nề hơn. Một phó giám đốc chi nhánh KienlongBank chia sẻ, từ đầu tháng 6 đã phải lên kế hoạch, triển khai đẩy mạnh cho vay, huy động vốn. Vì nếu triển khai muộn hơn, các ngân hàng đều cạnh tranh, giành giật khách hàng.
"Vừa rồi đi họp hội sở, tôi cũng muối mặt vì chi nhánh đạt chỉ tiêu thấp quá. Không chỉ bị lãnh đạo phê bình mà kết quả kinh doanh thấp sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề lương, thưởng, chỉ tiêu đánh giá khác của chi nhánh. Giờ, chúng tôi phải cố gắng tìm kiếm khách hàng mới, cho vay nhiều hơn trong tình cảnh hoạt động ngân hàng không thuận lợi thế này"- vị lãnh đạo này than thở.
Áp lực lợi nhuận và nợ xấu
Trong nửa đầu năm 2015, các ngân hàng lớn, nhỏ đều báo cáo kết quả kinh doanh khả quan hơn, chủ yếu tín dụng tăng trưởng cao hơn năm trước, giúp cải thiện mạnh mẽ tình trạng nợ xấu và tăng lợi nhuận.
Ở khối ngân hàng TMCP, lợi nhuận tăng trưởng khả quan hơn, đơn cử: TPBank báo lãi trước thuế 6 tháng là 342 tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch năm) và tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,96%. Ngân hàng VPBank báo lãi sau thuế 939 tỷ đồng (đạt 46,8% kế hoạch năm), tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,76% xuống 2,54%. Song, VPBank đang chịu áp lực nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn tăng mạnh, lên tới 1.075 tỷ đồng và chiếm 40% tổng nợ xấu. Việc nợ xấu tăng cao kéo theo số trích dự phòng rủi ro tăng mạnh khiến lợi nhuận của VPBank bị "hao hụt" đáng kể.
Còn khối ngân hàng có gốc quốc doanh lớn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng vừa phải và bám sát chỉ tiêu lợi nhuận, nợ xấu. Cụ thể, sau 6 tháng, BIDV có tăng trưởng tín dụng 9,1%, huy động vốn tăng 11,2%, song nợ xấu ở mức cao tới gần 10.700 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 2%). Do đó, lợi nhuận trước thuế tăng tới 25%, đạt 3.016 tỷ đồng.
Ngân hàng MB cũng có kết quả lợi nhuận cao, đạt 1.828 tỷ đồng do tín dụng tăng tới 10% và tích cực giảm nhanh nợ xấu về mức 2,04%… Hiện, MB có ý định xin tăng chỉ tiêu tín dụng lên 20%, cao hơn mức phân bổ 13% do có điều kiện mở rộng tín dụng.
Thực tế, cả hệ thống ngân hàng đang phải "gồng mình" để thực hiện tái cơ cấu, đảm bảo ổn định hoạt động, duy trì thanh khoản, xử lý nợ xấu. Nhất là, tăng cường hiệu quả công tác quản trị rủi ro sau hàng loạt những vụ việc sai phạm cho vay, gây thất thoát vốn lớn xảy ra tại các ngân hàng như ACB, VNCB, OceanBank, GPbank, DongABank… Hay, hé lộ chuyện chủ ngân hàng Phương Nam có những khoản nợ xấu lớn, không dễ xử lý.
Do đó, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay sẽ phải đi kèm yêu cầu bắt buộc về kiểm soát nợ xấu, trích dự phòng để hạn chế tình trạng "1 đồng cho vay, 2 đồng mất vốn".
Thu Hằng