Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 của 13 ngân hàng cho thấy, số lượng nhân sự hoạt động đã tăng tới 7.504 người. Tổng cộng tại 13 ngân hàng có tới 155.101 nhân sự.
Sau thời gian tái cơ cấu và chắt chiu, hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng đã có lãi nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng cao trong sáu tháng đầu năm 2017 và triển vọng khá tốt cho nửa năm còn lại là tiền đề để các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng kinh doanh.
“Mạnh tay” tuyển dụng
Ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh với những con số lợi nhuận ấn tượng, Vietcombank đã thông báo tuyển dụng hơn 400 chỉ tiêu cho 94 chi nhánh khắp cả nước, trong đó chủ yếu là cán bộ khách hàng với 284 vị trí.
Với kết quả kinh doanh khả quan, tuy đang trong quá trình tái cơ cấu nhưng Sacombank cũng đang tuyển dụng gần 1.000 nhân sự trên hệ thống với các chức danh: chuyên viên khách hàng cá nhân, chuyên viên khách hàng doanh nghiệp, chuyên viên khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, nhân viên hỗ trợ và nhiều chức danh khác.
Trong khi đó, NamABank cũng đăng tuyển rất nhiều vị trí cho các phòng giao dịch trên cả nước như: Giám đốc chi nhánh, trưởng phòng cho đến chuyên viên chăm sóc khách hàng, giao dịch viên…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của VPBank, số lượng nhân viên tại ngân hàng này lên tới 21.708 người, tăng tới 4.321 người chỉ sau 6 tháng. Bình quân mỗi ngày VPBank lại tuyển thêm 24 nhân sự mới.
MBBank ghi nhận tuyển thêm 816 người trên toàn hệ thống, Vietinbank số lượng nhân viên tăng thêm 671 người, trong khi VIB cũng tuyển thêm tới 540 người…
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, mỗi năm hệ thống ngân hàng có hai đợt tuyển dụng nhân sự với quy mô lớn nhất là vào giữa quý I và đầu quý III. Do đó, thời điểm này được xem là mùa tuyển dụng thứ hai trong năm của ngành ngân hàng.
Nhìn bức tranh tuyển dụng nhân sự của ngành ngân hàng sẽ gợi cảm giác ngành này đang trở lại thời kỳ thịnh vượng. Liệu có phải như vậy?
Với các doanh nghiệp sản xuất, tuyển dụng 1.000 người lao động có thể coi như doanh nghiệp đang rất phát triển. Song với ngành ngân hàng, quy mô nhân sự thường xuyên của một ngân hàng thuộc nhóm nhỏ nhất hiện nay cũng phải 3.000 – 5.000 người, nhóm trung bình khoảng 6.000 – 8.000 người và nhóm lớn tới trên 10.000 người.
Tuy nhiên, chỉ những vị trí liên quan đến phát triển kinh doanh sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn, còn lại với nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao, các ngân hàng thường đưa ra tuyển dụng chú trọng vào năng lực, trình độ cao và số lượng tuyển ít.
![]() |
Nhiều ngân hàng vừa công bố lãi nghìn tỷ, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Vì vậy, không có lý do gì khiến các ngân hàng không tuyển thêm nhân sự để mở rộng kinh doanh.
Ở những vị trí marketing, ngân hàng số, kiểm toán nội bộ, pháp chế… các ngân hàng thường không đặt nặng bằng cấp mà để ý nhiều hơn đến kỹ năng trong công việc và đạo đức nghề nghiệp.
Sau đợt tuyển dụng đầu vào, các ứng viên còn phải trải qua quá trình đào tạo lại, thử thách, trung bình chỉ có 20 – 30% ứng viên trụ lại được. Đó là chưa kể số nhân sự tự xin nghỉ việc, hay vì lý do nào đó mà bị buộc thôi việc cũng lên tới cả nghìn người mỗi năm.
Bức tranh khởi sắc
Bản chất ngành ngân hàng luôn có sự thay đổi và đào thải cao. Thậm chí, vị trí giám đốc, phó giám đốc chi nhánh ở một số ngân hàng cũng thay đổi 2 – 3 lần trong một năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau thời gian tái cơ cấu, cắt giảm chi tiêu, các ngân hàng đã có những kết quả kinh doanh khởi sắc. Bằng chứng cho thấy nhiều ngân hàng vừa công bố lãi nghìn tỷ, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Vì vậy, không có lý do gì khiến các ngân hàng không tuyển thêm nhân sự để mở rộng kinh doanh. Đây được xem như chiến lược kinh doanh của các ngân hàng.
Việc liên tục mở rộng các chi nhánh và phòng giao dịch cũng khiến nhu cầu nhân sự của các ngân hàng tăng cao, như SHB mới đây đã khai trương 1 chi nhánh và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm 1 văn phòng đại diện tại Myanmar và 4 chi nhánh mới trong quý III.
Hay LienVietPostBank cũng khai trương 5 chi nhánh trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, chỉ trong vòng 10 ngày, HDBank cũng đã mở thêm 4 điểm giao dịch… Theo kế hoạch kinh doanh, năm nay Vietconbank sẽ hoàn tất việc thành lập thêm 5 chi nhánh và 39 phòng giao dịch trên toàn quốc.
Mới đây, Maritime Bank vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép mở mới 13 chi nhánh trên toàn quốc. Tính đến thời điểm này, Maritime Bank đã xây dựng được mạng lưới rộng khắp cả nước với 270 chi nhánh, phòng giao dịch và gần 500 ATM, phục vụ nhu cầu tài chính ngày càng cao của hơn 1,5 triệu khách hàng cá nhân, gần 35.000 khách hàng doanh nghiệp, 2.000 doanh nghiệp lớn và định chế tài chính.
Ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng Giám đốc Maritime Bank – cho biết: “Không chỉ phát triển về hệ thống chi nhánh phục vụ trực tiếp, để nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách hàng, Maritime Bank cũng dành rất nhiều nguồn lực cho phát triển hệ thống công nghệ, nền tảng nhằm đẩy mạnh sự phát triển các kênh giao dịch hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking…”.
Huyền Anh