Theo đó, áp lực nợ xấu sẽ là vấn đề lớn nhất đối với các ngân hàng trong năm 2024 khi hiệu lực của Thông tư 02/2023/NHNN về cơ cấu thời gian trả nợ sẽ hết hạn vào 30/6 (đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc gia hạn). Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức tốt có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn những nhà băng có mức trích lập khiêm tốn hơn.
Nhiều nhà băng khó "cán đích" lợi nhuận
Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 11 vẫn đạt mức thấp so với mục tiêu 14-15% đặt ra, khiến Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải liên tục có các động thái nhằm đẩy nhanh việc bơm vốn hỗ trợ thị trường.
Cụ thể, theo dữ liệu báo cáo mới nhất của NHNN, tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022, tuy đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành 14%.
Dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh trong tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngân hàng năm 2023 và 2024. |
Nguyên nhân là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vừa giảm nhu cầu vay vừa giảm khả năng tiếp cận tín dụng do khó đáp ứng các điều kiện về tài sản đảm bảo. Lĩnh vực không được ưu tiên cho vay là bất động sản thời gian qua lại "hấp thụ" nhiều vốn nhất, tăng trưởng gấp nhiều lần mức trung bình. Điều này dẫn tới thực trạng ngân hàng thừa vốn nhưng không tìm được nơi để cho vay.
Diễn biến đó có phần tương đồng với giai đoạn dịch Covid-19 khi tìm cửa cho vay cũng là thách thức lớn. Nhưng khi đó, các ngân hàng vẫn tìm cách tăng nguồn thu từ hoạt động ngoài lãi, còn nợ xấu được "hoãn" nhờ các chính sách cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Tuy nhiên, năm nay, việc khó cho vay diễn ra cùng với nhiều vấn đề khác, trong đó nợ xấu là bài toán khó. Điều này khiến các nhà băng dù muốn cho vay nhưng không hạ chuẩn, giảm lãi sâu.
Những yếu tố trên khiến bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng không còn toàn “gam màu sáng”. Điều này được thể hiện trong kết quả kinh doanh quý III khi lợi nhuận có sự phân hoá mạnh giữa các nhà băng.
Theo thống kê, hết quý III, 8 ngân hàng đạt lợi nhuận chưa tới 50% kế hoạch năm, thậm chí mới thực hiện được 15-30%; phần còn lại chủ yếu hoàn thành 50-60% mục tiêu.
Các chuyên gia dự báo, lợi nhuận của các ngân hàng thực chất đã có sự phân hóa và dự báo càng rõ nét hơn ở kỳ công bố báo cáo tài chính sắp tới.
Mới đây, Sacombank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tăng 50% so năm 2022, đạt mức 9.500 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao.
Tuy nhiên, dựa vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng ở các quý trước, nhiều dự báo cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay sẽ đối mặt với sự phân hóa mạnh, thậm chí nhiều nhà băng khó cán đích lợi nhuận cả năm như kế hoạch đặt ra.
Thực tế, trong nhóm quốc doanh, Vietcombank là ngân hàng có mức tăng lợi nhuận tốt nhất trong 9 tháng với 18%. Tuy nhiên, theo VNDirect, ngân hàng này đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay từ mức tăng ban đầu hơn 15% xuống dưới 10%, do những thách thức kéo dài tới từ lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tín dụng giảm, và chiến lược ưu tiên chất lượng.
Khi 9 tháng đã tăng hơn 18%, "điều này ngụ ý rằng quý IV có thể chứng kiến mức tăng trưởng âm, đặc biệt là so với mức lợi nhuận cao nhất lịch sử Vietcombank đạt được trong quý IV/2022", theo báo cáo VNDirect.
Tiếp tục có sự phân hoá mạnh
Năm 2024 được dự báo tiếp tục khó khăn đối với các ngân hàng, trong đó nợ xấu sẽ ăn mòn lợi nhuận. Các ngân hàng dần cạn "của để dành", nên khó tăng trích dự phòng ở mức cao, làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Các chuyên gia của công ty Chứng khoán MBS cho rằng trong năm tới, ngành ngân hàng sẽ đối mặt với vấn đề rủi ro suy giảm chất lượng tài sản.
Hầu như các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng tại quý III/2023 so với đầu năm và các quý liền trước, trung bình các ngân hàng TMCP nhà nước có mức tăng 0,4% so với đầu năm, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân là 0,7%.
Các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong quý IV/2023 và chi phí trích lập toàn ngành đang có xu hướng tích cực nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn đáng kể.
Nguyên nhân đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi kết quả kinh doanh cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan, do đó khi hiệu lực của Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 làm gia tăng áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu tại các ngân hàng.
Tuy nhiên, áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và đưa chất lượng tài sản về mức tốt sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Mặc dù áp lực trích lập dự phòng rủi ro còn lớn, song các chuyên gia MBS cho rằng sang năm 2024, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13% - 14%, cùng với NIM (biên lãi ròng) được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan, dự báo sẽ tăng trưởng 25,1%.
Các chuyên gia của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng duy trì dự báo lợi nhuận toàn ngành ngân hàng giảm tốc, đi ngang trong năm 2023 và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong năm 2024 với mức tăng trưởng khoảng 10%, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm.
Ngược lại, ngân hàng có bộ đệm mạnh hay những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng trưởng lợi nhuận 18-20%.
Huyền Anh