Tín dụng giảm nghèo sẽ tiếp tục lan toả trong thời gian tới. |
Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, tính đến 31/8/2019 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (chiếm 40,2%) so với cuối năm 2015. Trong đó dư nợ tại vùng dân tộc thiếu số (DTTS) và miền núi đạt 104.474 tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng dư nợ với hơn 3,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 110.943 tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng dư nợ, với hơn 3 triệu hộ còn dư nợ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội, về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2-3 chương trình tín dụng chính sách.
"Những thành quả tín dụng giảm nghèo sẽ tiếp tục lan tỏa trong thời gian tới, bởi theo thống kê, hiện vẫn còn 6,6 triệu người nghèo và nhu cầu vay vốn vẫn còn rất lớn", Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa chương trình tín dụng chính sách, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí, quy định một nguồn vốn riêng trích từ nguồn ngân sách Trung ương cho Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trong đó có khoản mục dành riêng quy định về nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS.
“Các chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác theo hướng tách bạch đối tượng thụ hưởng, giảm cho không đến cá nhân và tăng mức đầu tư, hỗ trợ qua tín dụng; điều chỉnh đối 6 tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp với yêu cầu thực tiễn”, ông Thắng kiến nghị.
Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị Trung ương cho phép tăng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội phù hợp với tỷ lệ tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao, nhằm đáp ứng nguồn lực thực hiện chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài.
Thanh Hoa