BIDV là ngân hàng tích cực rao bán nợ xấu |
Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm. Sau gần 3 năm triển khai, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành thị trường mua bán nợ xấu, vướng trong chuyển nhượng tài sản đảm bảo…
Khó bán nợ xấu
Lâu nay, các ngân hàng triển khai bán nợ xấu là các tài sản đảm bảo như bất động sản, máy móc, thiết bị sản xuất… đã rất chật vật, thì nay sau dịch Covid-19 việc “đẩy” nợ xấu lại càng khó khăn gấp bội.
Sau 28 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt với mức giá giảm hàng chục lần so với mức chào bán lần đầu, nhưng BIDV vẫn không tìm được người mua. Mới đây ngân hàng tiếp tục rao bán nợ xấu này.
Cùng ngày, BIDV chi nhánh Phú Tài cũng thông báo đấu giá tài sản của nhóm Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn còn 800 tỉ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi. Đáng nói, đây là lần rao bán thứ 17 của ngân hàng.
Trước đó, CTCP Nhà Hưng Ngân cũng là một trường hợp điển hình rao bán kèm đại hạ giá nhiều lần nhưng không ai mua tại BIDV.
Cụ thể, đầu tháng 6/2020, BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ Nhà Hưng Ngân, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ.
Đây đã là lần thứ 4 BIDV rao bán khoản nợ này với giá chào bán khởi điểm gần 396 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 2/2020, giá rao bán khởi điểm hiện tại đã giảm gần 24%. So với lần rao bán thứ 3 hồi tháng 5/2020, giá giao bán cũng giảm 6%.
Không chỉ BIDV, mà rất nhiều ngân hàng, thậm chí cả Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng chật vật bán nợ xấu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến nợ xấu khó bán do sau dịch Covid-19 hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa trở lại nhịp độ như trước kia, nên nhu cầu đầu tư, mở rộng kinh doanh không có. Trong khi đó, người dân cũng đang cắt giảm chi tiêu, nên cũng không đầu tư vào thị trường bất động sản.
Ngoài ra, hiện nay dù Nghị quyết 42 đã đi vào cuộc sống, song vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt công tác thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết số 42 khiến khách mua nhụt chí.
Thủ tục pháp lý phức tạp
Báo cáo của Agribank cho biết, ngân hàng này có 11 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được Tòa án thụ lý, song chưa hồ sơ nào được xử lý do Tòa kết luận chưa đủ điều kiện. Tương tự, trong số 12 hồ sơ của BIDV đang được Tòa án xem xét xử lý, thì có 6 hồ sơ đã được trả lời là sẽ chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường.
Như vậy, trình tự rút gọn theo Nghị quyết 42 hầu như chưa được tòa án áp dụng.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu là rào cản chính của thị trường mua bán nợ”.
Ngoài ra, ông cho rằng việc thành lập thị trường mua bán nợ vẫn đang gặp nhiều rào cản từ cả cơ chế lẫn thị trường cũng là rào cản khiến việc mua bán nợ diễn ra ì ạch trong vài năm qua.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, việc phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các ngân hàng không hề dễ dàng. Các khoản nợ đã bán cho VAMC chủ yếu là bất động sản. Do đó, tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường.
Từ những trường hợp thực tế diễn ra tại các ngân hàng và VAMC trong thời gian qua cho thấy, khối bất động sản càng có giá trị lớn càng khó phát mại.
Bên cạnh đó thủ tục pháp lý xử lý, chuyển nhượng tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc làm nhụt chí người mua. Nên dù ngân hàng nhiều lần hạ giá bán nhưng vẫn không có mấy nhà đầu tư quan tâm. “Đây là điểm nghẽn rất quan trọng cần phải được tháo gỡ nếu muốn thúc đẩy thị trường mua bán nợ”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Để gỡ vướng mắc trên, về phía VAMC, lãnh đạo cơ quan này cho biết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tranh thủ hỗ trợ tối đa từ các Bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt công tác thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo, việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết số 42.
Huyền Anh