Công ty CP Tập đoàn Masan (mã: MSN) có hoạt động chính là tư vấn quản lý và tư vấn đầu tư với 18 công ty con (sở hữu từ 43 - 100% vốn). Trong đó, có những công ty chủ lực như: Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan, Công ty TNHH MTV thực phẩm Masan, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Masan…
Tính đến 30/9/2014, Masan có vốn điều lệ hơn 7.358 tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu đạt trên 22.059 tỷ đồng. Trong những năm qua, Masan liên tục tăng vay nợ để có vốn mở rộng đầu tư, phục vụ sản xuất thực phẩm, nước chấm, mì ăn liền…
“Đại gia” dễ vay nghìn tỷ
Trong giai đoạn 2011 - 2014, nhiều DN khổ sở vì không vay được vốn ngân hàng thì Masan vẫn được các ngân hàng “ưu ái” cấp vốn. Năm 2011, tổng quy mô nợ vay của Masan đã lên tới con số rất lớn là 10.175,4 tỷ đồng. Sau đó, quy mô nợ tiếp tục tăng lên 14.693 tỷ đồng (cuối năm 2012) và đạt mức 21.092 tỷ đồng dư nợ (cuối năm 2013), tức tăng tới 43,5% so với năm trước.
Báo cáo tài chính quý III/2014 cho thấy tổng dư nợ vay của Masan chỉ “khiêm tốn” ở mức 19.818,5 tỷ đồng (tính đến 30/9/2014). Trong đó, nợ vay ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn trả cho các ngân hàng là hơn 3.342,8 tỷ đồng, giảm 49,6% so với thời điểm cuối năm 2013.
Còn tổng nợ vay dài hạn vẫn tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013, chạm mức 16.475,7 tỷ đồng. Cụ thể, Masan còn dư nợ vay dài hạn tại các ngân hàng hơn 3.972 tỷ đồng (chiếm gần 94% là vay tiền USD), trái phiếu và các khoản vay chuyển đổi là 949,8 tỷ đồng, trái phiếu có bảo đảm 11.500 tỷ đồng, nợ thuê tài chính 53,6 tỷ đồng.
Năm 2011 là thời điểm thị trường lãi suất sốt nóng nhất với mức lãi vay lên tới 21 - 23%/năm. Dù vậy, những khoản vay của Masan (tín dụng, trái phiếu) từ ngân hàng trong nước, tổ chức nước ngoài chỉ chịu lãi suất khá thấp.
Đơn cử, lãi vay ngắn hạn có bảo đảm là 15,2 - 18,7%/năm (bằng VND) và 6,5%/năm (bằng USD). Mức lãi suất tương tự được áp dụng cho các khoản vay ngân hàng không có bảo đảm.
Trong khi đó, khoản vay dài hạn ngân hàng có bảo đảm chịu lãi suất từ 9,6 - 20%/năm (bằng VND) và 3,72 - 3,83%/năm (bằng USD), khoản vay không bảo đảm chịu lãi suất lần lượt theo đồng tiền là 18%/năm và 6,8%/năm.
![]() |
Năm 2013, Masan đã được giảm lãi vay dài hạn bằng tiền VND xuống còn 9,6 - 14,5%/năm, nhưng lãi vay USD lại khá cao, tới 8-10,5%/năm.
Bên cạnh đó, Masan còn huy động được 1.176 tỷ đồng từ bán trái phiếu và các khoản vay chuyển đổi cho tổ chức International Finance Corporation Jade Dragon (IFC), trong đó: lãi vay VND là 8 - 20,4%/năm, vay USD là 2 - 6%/năm. Khoản vay này sẽ đáo hạn từ năm nay đến năm 2015 - 2016.
Các khoản trái phiếu (4.700 tỷ đồng), trái phiếu chuyển đổi (2.200 tỷ đồng) của Tập đoàn Masan chỉ chịu lãi suất 10,75 - 15%/năm…
Ngoài các ngân hàng trong nước, Masan đã được các tổ chức tài chính nước ngoài tài trợ vốn vay dài hạn lớn, như: Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam), Ngân hàng J.P Morgan, Công ty tài chính IFC, Goldman Sachs Group Inc…
Dù vậy, với quy mô vay nợ “khủng”, Tập đoàn đã phải chịu các chi phí tài chính đáng kể, bao gồm lãi vay, lãi trái phiếu, lỗ chênh lệch tỷ giá… lên tới 606,7 tỷ đồng (năm 2013) và 309 tỷ đồng (năm 2012).
Techcombank có “ưu ái” cổ đông lớn?
Được biết, Masan sở hữu 30,36% cổ phần của Techcombank (tương ứng khoảng 269,5 triệu cổ phiếu). Trong mối quan hệ khăng khít hiếm thấy, cổ đông lớn này có 2 đại diện tại ngân hàng, gồm ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank, trong khi ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch thường trực Masan là Chủ tịch HĐQT Techcombank.
Báo cáo của Techcombank cũng cho biết năm 2013, Masan còn khoản phải thu hơn 134 tỷ đồng tại ngân hàng này và đã trả chi phí lãi khoảng 94,5 tỷ đồng (năm 2012: 253,8 tỷ đồng), chiếm gần một nửa chi phí lãi vay ngân hàng.
Ngoài ra, các công ty con, công ty liên kết của Masan, các cổ đông và bên liên quan của lãnh đạo chủ chốt cũng có nhiều giao dịch lớn với Techcombank, gồm gửi tiền, vay nợ… Riêng năm 2013, Masan có giao dịch với Techcombank khoản phí thanh toán hợp đồng hoán đổi ngoại tệ hơn 130 tỷ đồng.
Để vay được cả chục nghìn tỷ như vậy, Masan đã thế chấp cho các ngân hàng nhiều tài sản, như: hàng tồn kho, các khoản phải thu khách hàng, tài sản cố định, khoản tiền gửi có kỳ hạn, cổ phiếu…
Đáng chú ý, có một khoản vay ngân hàng hơn 870 tỷ đồng đã được Masan bảo đảm bằng tỷ lệ tài sản hiện tại và tương lai với quyền khai thác mỏ Núi Pháo, cùng với 68,52 triệu cổ phiếu Techcombank (chiếm tỷ lệ 7,71% vốn ngân hàng).
Masan còn dùng hơn 87 triệu cổ phiếu Techcombank, quyền khai thác và tài sản hiện hữu, hình thành trong tương lai của Mỏ Núi Pháo để bảo đảm cho khoản vay có dư nợ 1.882,9 tỷ đồng (bằng VND và USD). Và, 22,3 triệu trái phiếu chuyển đổi của Techcombank được dùng bảo đảm cho khoản nợ trái phiếu 2.200 tỷ đồng của Masan.
Một số khoản nợ vay ngân hàng ngoại khác cũng được bảo đảm bằng hàng trăm triệu cổ phiếu công ty con thuộc sở hữu của bên thứ 3, hoặc có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông...
Phương Nga