Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc “hôn nhân” đỗ vỡ là do Nam A Bank không tìm được tiếng nói chung với các cổ đông khác của Eximbank
Cũng theo nguồn tin trên, Nam A Bank đang tìm đối tác để chuyển nhượng phần vốn hơn 20% đang nắm giữ tại Eximbank, vì cho rằng, kết quả thương vụ trên sẽ khó thành công.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc “hôn nhân” đỗ vỡ là do Nam A Bank không tìm được tiếng nói chung với các cổ đông khác của Eximbank, trong đó có cả cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank là Sumitomo Mitsui (SMBC - Nhật Bản), nắm giữ hơn 20% cổ phần của Eximbank. Cổ đông này không đồng ý với thương vụ trên.
Thông tin Nam A Bank sáp nhập Eximbank được lan truyền rộng rãi trên thị trường giữa năm 2014 và lên cao trào đầu năm 2015 khi Nam A Bank cho rằng, đang ở thế chủ động trong việc tìm kiếm một ngân hàng khác để tính đến chuyện hôn nhân. Nam A Bank được cho là tìm cách chi phối tại Eximbank.
Đến trước thềm ĐHCĐ của 2 ngân hàng (Nam A Bank vào ngày 21/7/2015 và Eximbank dự kiến ban đầu vào ngày 21/4/2015), thông tin về thương vụ trên càng được đồn đoán sẽ sớm đi đến kết quả cuối cùng khi được ĐHCĐ thông qua việc bầu nhân sự HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới gian đoạn 2015 - 2020.
Điều này càng được chắc chắn hơn khi 2 lãnh đạo chủ chốt của Nam A Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên Tổng giám đốc và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Phó Tổng giám đốc cùng thôi nhiệm tại Nam A Bank và ngay sau đó nhanh chóng có tên trong danh sách ứng cử vào HĐQT của Eximbank cùng với 4 đại diện của các cổ đông khác, với tỷ lệ cổ phần đại diện cho Nam A Bank nắm giữ hơn 20% có quyền biểu quyết ở Eximbank.
Tuy nhiên, xem ra đến giai đoạn này, Nam A Bank đã nhận thấy rõ không có kết quả nên rút lui.
P.V