Cụ thể, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) vừa công bố nghị quyết về việc đầu tư mua, nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại Công ty CP Chứng khoán ASC.
VPBank sẽ quay lại mảng kinh doanh chứng khoán thông qua việc mua lại Công ty Chứng khoán ASC. |
Theo đó, VPBank sẽ nhận chuyển nhượng 26,186 triệu cổ phần từ ASC, tương đương 97,42% vốn công ty chứng khoán này từ các cổ đông hiện hữu. Sau giao dịch, VPBank sẽ trở thành công ty mẹ, chi phối hoạt động của ASC.
Theo thông tin từ ngân hàng, Chứng khoán ASC có vốn điều lệ 268,8 tỷ đồng, tương đương 26,8 triệu cổ phần phổ thông.
Thời gian qua, thông tin ASC sẽ “về một nhà” với ASC đã được thị trường bàn tán khi công ty chứng khoán này chuyển trụ sở từ Tp.HCM ra tòa tháp VPBank Tower tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng mạnh vốn điều lệ thông qua chào bán gần 21,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn lên 268,8 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần).
Trong tháng 7/2021, sau khi 2 cá nhân là ông Nguyễn Công Tuấn và Nguyễn Tiên Phong mua lại lần lượt 65,29% và 21,86% vốn điều lệ Chứng khoán ASC từ các cổ đông cũ, công ty này đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021 (ĐHĐCĐ) để miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT cũ và bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 mới.
Theo đó, ông Nguyễn Công Tuấn được bầu là Chủ tịch HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát mới là bà Nguyễn Thanh Duyên; bà Hoàng Thị Quỳnh Trang và bà Nguyễn Phương Anh. Trong đó, 2/3 thành viên mới trong Ban kiểm soát ASC đều là nhân sự tại VPBank (bà Duyên và bà Trang).
Công ty chứng khoán ASC xuất hiện trên thị trường khá sớm nhưng hoạt động không mấy hiệu quả, lỗ lũy kế đến quý tháng 3/2021 là 20 tỷ đồng. Công ty chấm dứt giao dịch trên sàn HoSE vào năm 2016 và từ năm 2017 đến nay chỉ thực hiện tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp, không còn hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
Từ sau khi xuất hiện cổ đông mới và tiến hành ĐHĐCĐ bất thường, tháng 10/2021, công ty chứng khoán này đã đăng ký bổ sung các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Về phía VPBank, ngân hàng này từng sở hữu Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Công ty CP Chứng khoán VPS), nhưng đến năm 2015 VPBank thoái toàn bộ vốn khỏi VPS, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ, hàng loạt công ty chứng khoán báo lãi lớn. Tuy nhiên, buổi gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức hồi đầu tháng 11/2021, lãnh đạo VPBank chia sẻ kế hoạch mua lại một công ty chứng khoán để quay trở lại mảng kinh doanh này sau 6 năm thoái vốn khỏi VPS và chính thức đặt tham vọng quay lại mảng kinh doanh béo bở này.
Theo lãnh đạo nhà băng này, cùng với kế hoạch tăng vốn và phát hành riêng lẻ 15% vốn cho cổ đông nước ngoài, VPBank sẽ cân nhắc phát triển các mảng kinh doanh mang lại lợi ích tài chính và duy trì khả năng sinh lời cao, bao gồm kinh doanh chứng khoán.
Mới đây, ngân hàng này vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Việc điều chỉnh nhằm chuẩn bị cho việc chào bán riêng lẻ 15% cho đối tác chiến lược, đồng thời vẫn tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại mua bán trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay, VPBank chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021, Tuy nhiên, theo dự báo của một số công ty chứng khoán, lợi nhuận cả năm của VPBank có thể tăng 30-40%.
Huyền Anh