Đại diện Vietcombank cho biết, nhà băng này vừa làm đầu mối (cùng với Vietinbank, BIDV, Agribank và 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân: MB, VPBank, MSB, TPBank) ký hợp đồng tín dụng quy mô 35.000 tỉ đồng với Tập đoàn Hòa Phát để triển khai Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đây là dự án lớn nhất của Tập đoàn với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC)/năm và tổng nhu cầu vốn đầu tư lên tới 85.000 tỉ đồng. Dự kiến khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động sẽ đưa sản lượng thép của doanh nghiệp đạt 14 triệu tấn/năm và giải quyết thêm hơn 8.000 lao động tại địa phương.
![]() |
Vietcombank làm đầu mối cùng với 7 ngân hàng thương mại cấp khoản tín dụng với quy mô 35.000 tỉ đồng cho Tập đoàn Hoà Phát xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. |
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho hay: "Chúng tôi tin tưởng với kinh nghiệm đã triển khai và vận hành thành công dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, cùng ưu thế về công nghệ và con người vượt trội, tư duy đầu tư chiến lược và bài bản, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tiếp tục thành công với dự án lần này. Vietcombank và các ngân hàng đồng tài trợ cũng cam kết sẽ dành những nguồn lực tối ưu cũng như hỗ trợ các giải pháp tài chính và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho Tập đoàn Hòa Phát".
Theo tìm hiểu, cho đến thời điểm hiện nay, đây là khoản cấp tín dụng quy mô lớn nhất được ký kết trong bối cảnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa chính thức được Chính phủ triển khai.
Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 252 yêu cầu các bộ ngành và địa phương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó Ngân hàng Nhà nước được giao đẩy nhanh phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về gói hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhằm triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện đang có 3 dạng doanh nghiệp hoạt động trên thị trường. Một là, doanh nghiệp còn "khỏe", chỉ cần mở cửa trở lại là làm ăn được, sống được. Hai là, doanh nghiệp còn "khỏe", còn khách hàng và cơ hội phục hồi nhưng vốn ít, cần được hỗ trợ, tiếp sức để sớm hồi phục. Ba là, những doanh nghiệp mất thị trường, mất vốn, vẫn đang nợ, muốn khôi phục cần sự hỗ trợ về đòn bẩy tài chính của nhà nước.
Với hai nhóm doanh nghiệp đầu tiên, chỉ cần triển khai các gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ, Quốc hội hiệu quả sẽ giúp họ nhanh chóng trở lại.
Riêng nhóm doanh nghiệp thứ ba, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận cần giải pháp đột phá như chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. “Phải làm sao giúp doanh nghiệp được vay nợ, nuôi nợ để đòi nợ, giúp họ sống được rồi mới trả được nợ. Nhưng giải pháp này cần sự vào cuộc của Nhà nước, bởi các ngân hàng thương mại sẽ không dám mạnh dạn cấp vốn cho doanh nghiệp đang rất khó khăn", ông Lịch nói.
Thanh Hoa