Sáng 25/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã: MBB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với nhiều vấn đề quan trọng được trình tới các cổ đông.
Tại đại hội, Ban lãnh đạo ngân hàng cũng trình phương án MB sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm để tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của MB |
MB kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để ngân hàng tăng tốc từ 1,5 - 2 lần tốc độ phát triển quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.
Mặc dù nhận chuyển giao bắt buộc nhưng MB và TCTD bị chuyển giao vẫn sẽ là hai pháp nhân độc lập, hạch toán riêng và không ảnh hưởng tới chính sách cổ tức của ngân hàng.
Cụ thể, báo cáo tài chính của ngân hàng sẽ không phải hợp nhất cho tới khi MB quyết định sáp nhập với TCTD này. Ngoài ra, MB được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc đó khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; khoản góp vốn vào TCTD được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của MB; MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Trong phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi “Phương án chuyển giao bắt buộc là tự nguyện hay nhiệm vụ chính trị?”, Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái cho biết: Việc nhận chuyển giao vừa là nhiệm vụ, vừa là tự nguyện. MB là một trong 7 ngân hàng được mời đến, trong đó Vietcombank đã sẵn sàng, MB là ngân hàng thứ hai. Có một phần nhiệm vụ chính trị vì MB là ngân hàng lớn, có hiệu quả, có khả năng thực hiện.
MB nhận sáp nhập cũng là tự nguyện vì hàng năm trong giai đoạn vừa qua, MB đều tăng trưởng và khả năng tăng trưởng còn lớn hơn thực tế đang đạt được. Cụ thể, tăng trưởng hàng năm khoảng 20-25% nhưng khả năng thực tế có thể 30 - 35%, nhưng ngân hàng vẫn kiểm soát được an toàn rủi ro. Do đó, phương án này tạo không gian mới để MB thực hiện tăng trưởng theo.
Về lộ trình sáp nhập, ông Thái cho biết, việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, MB không phải bỏ tiền mua ngân hàng này, mà MB còn được hỗ trợ về giấy phép, được hỗ trợ một khoản tiền (xin phép không được tiết lộ) từ phía Nhà nước một nửa phần âm vốn hiện tại của tổ chức này.
“Hiện nay, tôi chưa thể tiết lộ thông tin cụ thể về ngân hàng được chuyển giao nhưng quy mô của tổ chức này dưới 10% tổng tài sản của MB, lỗ luỹ kế các kiểu không vượt quá 20.000 tỷ”, ông Thái nói.
Đưa ra các giải pháp để xử lý nợ luỹ kế của ngân hàng 0 đồng, đại diện MB cho biết, ngân hàng chuyển giao bắt buộc sẽ được vay khoản tiền 0% trong thời gian tái cơ cấu. Với quy mô tốt thì dự trù tính toán MB là một nửa được hỗ trợ nhà nước và một nửa do MB tự tạo ra. Lộ trình khoảng 7-8 năm sẽ giải quyết dứt điểm được nợ của ngân hàng này.
Sau khi triển khai tái cơ cấu, MB có ba phương án xử lý: sáp nhập vào MB, phương án 2 là IPO chuyển thành một ngân hàng cổ phần hoặc bán hoàn toàn ngân hàng đó đi.
Bên canh đó, Tổng giám đốc MB cũng khẳng định: “Hiện, ngân hàng này thuộc sở hữu của nhà nước và MB nhận là từ Ngân hàng Nhà nước chứ không phải từ các cổ đông. Chúng ta không có trách nhiệm phải giải quyết câu chuyện với các cổ đông của ngân hàng này”.
Tại đại hội đồng cổ đông, MB đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay sẽ đạt 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng). Tổng tài sản dự kiến đạt 700.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 16% lên 472.600 tỷ đồng và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Thanh Hoa