Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tại buổi họp báo Ngày không tiền mặt năm 2024, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động.
Đề cao sự cảnh giác
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, song song với sự phát triển nhanh của hoạt động thanh toán và công nghệ thanh toán cũng dẫn đến phát sinh những vấn đề bảo mật, an ninh an toàn.
Chẳng hạn thời gian qua, xuất hiện rất nhiều bài báo, video clip, những câu chuyện về chiếm quyền tài sản, hack tài khoản cá nhân, chiếm đoạt tiền của người dân... Vấn đề này đã phần nào đó khiến người dân hoang mang, lo ngại khi thanh toán không dùng tiền mặt.
Sự phát triển nhanh của hoạt động thanh toán và công nghệ thanh toán cũng dẫn đến phát sinh những vấn đề bảo mật, an ninh an toàn. |
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó tổng giám đốc NAPAS chỉ ra “chiêu” lừa đảo phổ biện hiện nay là kẻ gian thường đánh vào tâm lý, lòng tham hay nỗi sợ hãi để người dân thực hiện các giao dịch thanh toán thật và chuyển cho kẻ gian.
Do đó, để giải quyết tình trạng này thì bước đầu tiên cần phối hợp truyền thông, tuyên truyền để nêu cao sự cảnh giác. “Người dùng đôi lúc phải quyết định chậm một chút trước khi thực hiện thao tác chuyển tiền. Bởi từ khi NAPAS hợp tác với NHNN, hoạt động chuyển tiền rất nhanh. Các hệ thống không ai hack được cả, mà xuất phát từ người dùng”, ông Long lưu ý.
Hiện nay, các ngân đều đưa ra những hệ thống nhận biết được hành vi lừa đảo cho khách hàng. NAPAS cũng đang soạn thảo bộ quy trình phối hợp dựa trên nền tảng pháp lý hiện nay, để khi nhận diện được lừa đảo thì thông báo cho ngân hàng nhận tiền.
“Những yếu tố kỹ thuật mà trước mắt có thể triển khai làm chậm lại quá trình chuyển tiền, hạn chế được các trường hợp lừa đảo là ngân hàng có thể khóa tài khoản khi được thông báo dấu hiệu lừa đảo, hay yêu cầu khách hàng ra quầy mới giao dịch rút tiền thành công”, ông Long cho hay.
Về đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Lê Anh Dũng thông tin, ngành ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua Căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Đến nay đã có 60 tổ chức tín dụng đang triển khai ứng dụng Căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy (25 tổ chức tín dụng đã triển khai chính thức); 48 tổ chức tín dụng đang triển khai qua ứng dụng di động (15 tổ chức tín dụng đã triển khai chính thức); 22 tổ chức tín dụng đang triển khai ứng dụng tài khoản VNeID;…
Dù vậy, ông Dũng cũng chia sẻ, bản thân hằng ngày vẫn nhận được email lừa đảo, dụ dỗ nhập thông tin, nên khách hàng cần cẩn thận. Theo ông, trong môi trường số luôn có kẻ gian xuất hiện, cần lưu ý trước những vấn đề gì lạ (link lạ, cuộc gọi lạ, lời nói hành động thúc giục…). “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và “phụ thuộc vào sự đề kháng”, từ đó phòng chống lừa đảo tốt hơn.
Phòng chống lừa đảo nhưng cũng phải đảm bảo trải nghiệm người dùng
Đối với vấn đề bảo mật, các chuyên gia đề cập đến việc người dùng Việt thường ưu tiên giải pháp dùng phần mềm miễn phí, nhưng loại phần mềm này lại đi kèm quảng cáo và không đảm bảo tính an toàn. thường sau khi có sự cố an ninh mạng do virus, người dùng Việt mua phần mềm Kasperky rất nhiều, nhưng sau đó vài tháng thì lại... như trước!
Ông Ngô Tuấn Vũ Khanh, Giám đốc Kaspersky Việt Nam cho biết, các giải pháp chống gian lận thanh toán ở phía người dùng cuối là cực kỳ hạn chế. Hiện, các ngân hàng và dịch vụ thanh toán chỉ bảo vệ ở hệ thống, trong khi thanh toán gian lận xảy ra ở người dùng cuối đến 80%. Việc triển khai hệ thống ngăn chặn gian lận thanh toán phía người dùng hoàn toàn khác với ở các hệ thống lớn.
Theo Quyết định 2345 của NHNN, từ 1/7 tới đây, khách hàng chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực khuôn mặt. Quy định này được các chuyên gia kỳ vọng có thể ngăn tội phạm đánh cắp tiền trong tài khoản khách hàng, bảo vệ người dùng.
Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), để thực hiện các nội dung của Nghị định 2345, các ngân hàng phải đầu tư rất lớn nhưng lại không thể thu lại được đồng phí nào từ khách hàng vì hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay gần như đều miễn phí phần lớn các dịch vụ.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc ACB khẳng định, việc đầu tư này "đáng đồng tiền bát gạo” bởi nó mang lại sự an toàn cho khách hàng. Và khi khách hàng thấy được sự an toàn đó, họ sẽ tìm đến sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Tại ACB, dự kiến trong tháng 6 tới sẽ thông báo cho khách hàng đăng ký xác thực thông tin.
“Nhiều người lo lắng khi thực hiện nghị định này phải xác thực gương mặt, lo mất thông tin, phiền phức, nhưng chúng tôi đảm bảo nó sẽ thực hiện rất mượt. Người dùng chỉ mất lần đầu xác thực với Căn cước công dân và khuôn mặt là sau đó có thể thực hiện các giao dịch rất dễ dàng”, ông Phát nói.
Riêng với quy định: khách hàng chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực khuôn mặt, đại diện NHNN cho biết đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra mức này.
Theo thống kê có đến 70% giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng. Do vậy, NHNN đã đưa ra mức này với mục tiêu là cân đối xác thực giao dịch mạnh nhưng cũng phải đảm bảo trải nghiệm của người dùng.
“NHNN cũng đưa ra ngưỡng 20 triệu đồng/ngày để tránh trường hợp tội phạm lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều giao dịch dưới ngưỡng 10 triệu đồng/lần, chẳng hạn chuyển 9,9 triệu đồng/lần. Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, mục đích hướng tới là nhằm bảo vệ chứ không gây khó cho người dùng”, đại diện NHNN cho hay.
Huyền Anh