Ngày 28/3/2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 và một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm là việc chia cổ tức.
Một cổ đông cho hay họ đã mòn mỏi chờ đợi từ khi ngân hàng hợp nhất (cuối năm 2011) đến nay. Đặc biệt là từ giai đoạn 2013 – 2017, tổng tài sản của SCB đã tăng mạnh và hiện đứng thứ 5 trong hệ thống các ngân hàng. Nhưng tại sao lại có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cuối cùng của ngân hàng, số lớn lãi dự thu phải thoái và không thu được là do đâu?
5 năm chờ cổ tức
Về xử lý nợ xấu, trái phiếu VAMC tại SCB 25.000 tỷ đồng, mỗi năm phải trích lập 20% vào chi phí, trong khi đó, vấn đề xử lý nợ của SCB chưa đưa ra được giải pháp nào. Cổ đông cho rằng giải quyết được những vấn đề này mới có thể hoàn nhập dự phòng, mang lại lợi ích cho cổ đông và nhân viên ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính kết thúc năm 2017, SCB đạt tổng tài sản 444.032 tỷ đồng, tăng gần 23% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế ở mức 164 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016, hoàn thành 96% kế hoạch.
Năm 2017, SCB hoạt động khá sôi động trên thị trường liên ngân hàng với mức tăng trưởng huy động trên thị trường này tới 115% so với năm 2016 và đạt 64.387 tỷ đồng, chiếm trên 15%. Thị trường 1 tăng 17% và đạt 353.327 tỷ đồng, chiếm gần 85%.
Theo SCB, lợi nhuận còn khiêm tốn do ngân hàng vẫn đang trong quá trình củng cố nền tảng tài chính, các chi phí tái cơ cấu phát sinh khá cao (đặc biệt là chi phí thoái thu lãi do xử lý nợ xấu), SCB cũng phải tập trung nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ, dự phòng trái phiếu đúng quy định.
Tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2017 là 890 tỷ đồng, trong đó trích dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 123 tỷ đồng.
Theo SCB, các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện lợi nhuận của ngân hàng.
Trả lời vấn đề chia cổ tức cho cổ đông, ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, cho biết SCB đã thực hiện các chính sách chi trả cổ tức theo đúng phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Giai đoạn vừa qua, SCB đã thực hiện quá trình tái cơ cấu theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nên toàn bộ lợi nhuận giữ lại đều được dùng để bổ sung vào vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, năng lực vốn cho ngân hàng.
Nhờ vậy, SCB có thêm nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu hàng năm và kết quả kinh doanh đang có những chuyển biến rõ rệt qua từng năm.
Theo SCB, các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện lợi nhuận của ngân hàng.
Cố gắng tập “chịu đựng”?
Ông Văn cho biết lợi nhuận để lại của SCB tính đến cuối năm 2017 là hơn 600 tỷ đồng, HĐQT xin cổ đông chuyển khoản này sang cổ phiếu trong năm 2018. Như vậy, SCB sẽ có thêm khoảng 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng).
Sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua và các cơ quan chức năng chấp thuận thì trong năm 2018, cổ đông SCB sẽ được chia cổ tức và cổ phiếu thưởng.
Đối với phần lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, theo ông Văn, đây vẫn là các khoản tích lũy cho hoạt động của cgân hàng, cho các cổ đông.
Thông tin thêm về tình hình trích lập dự phòng của ngân hàng đến thời điểm này, đại diện SCB cho biết Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đã đạt 6.375 tỷ đồng, tương đương khoảng 50% vốn điều lệ của ngân hàng, trong đó, quỹ dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC là 3.492 tỷ đồng.
“Sau khi bán tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã trích lập này, SCB sẽ được hoàn nhập dự phòng và khả năng thu hồi là gần như 100%”, ông Văn khẳng định.
Tổng Giám đốc SCB cũng cho biết các khoản trích lập dự phòng đều là chi phí tích lũy trong hoạt động xử lý nợ, sau khi hoàn tất việc xử lý nợ xấu, SCB sẽ được hoàn nhập các chi phí đã trích, giúp cải thiện thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng. “Cố gắng tập “chịu đựng” khoản dự phòng nói trên có thể xem là của để dành lớn cho SCB, là tích tụ tài chính tốt cho cgân hàng sau giai đoạn tái cơ cấu”, ông Văn nói.
Trong năm nay, SCB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng. Đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 224 tỷ đồng, tăng 36,8% so với năm 2017; tổng tài sản tăng 9,7% đạt 487.043 tỷ đồng; huy động tăng 18,4% đạt 418.278 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 17,8% đạt 311.204 tỷ đồng.
Huyền Anh