Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng báo lãi năm 2021 tương đối lớn, tăng trưởng 2 chữ số so với năm trước. Trong số này, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng vài chục phần trăm, kéo theo dự báo nhân viên sẽ tiếp tục có thêm một năm nhận thưởng Tết "ấm".
Lãi tăng vài chục phần trăm
Hiện nay, có 22 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2021, theo đó chỉ có 3 ngân hàng suy giảm lợi nhuận, 19 ngân hàng còn lại tăng trưởng dương, có 2 ngân hàng tăng trưởng 3 con số.
Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng vài chục phần trăm, kéo theo dự báo nhân viên sẽ tiếp tục có thêm một năm nhận thưởng Tết "ấm". (Ảnh: Int) |
Cụ thể, 3 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm 2021 bao gồm NCB, Eximbank và VietinBank. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của NCB ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất lên tới 43%, xuống chỉ còn 2,3 tỷ đồng. Còn theo công bố từ VietinBank, lợi nhuận năm 2021 giảm nhẹ 2%, xuống còn 16.800 tỷ đồng. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, VietinBank vẫn nằm trong TOP 3 lợi nhuận ngành năm 2021.
Trong nhóm tăng trưởng, VietABank là cái tên gây bất ngờ khi tăng trưởng tới 107% lợi nhuận trước thuế so với năm 2020, cao hơn gấp 2 lần mức tăng trưởng ghi nhận được trong năm liền trước (năm 2020 tăng trưởng 47% so với năm 2019). Theo sát VietABank, MSB có mức lợi nhuận tăng tới 106%.
Các ngân hàng khác có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm ngoái bao gồm SHB (90%), PG Bank và Viet Capital Bank (55%), LienVietPostBank (50%), Techcombank (47%),...
Tính đến thời điểm hiện tại, dù chưa công bố báo cáo tài chính, song theo chia sẻ của lãnh đạo Vietcombank, con số lợi nhuận năm 2021 của ngân hàng có thể đạt hoặc vượt ngưỡng 25.585 tỷ đồng. Như vậy, Vietcombank sẽ tiếp tục giữ ngôi vị quán quân lợi nhuận của các ngân hàng.
Trong khi đó, với 23.238 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vị trí á quân trong bảng xếp hạng lợi nhuận năm 2021 thuộc về Techcombank. Vietcombank đã không còn là nhà băng duy nhất của hệ thống đạt lợi nhuận tỷ USD như trong 2 năm 2019 và 2020.
Giữ bí mật đến "phút cuối"
Thưởng Tết ngành ngân hàng lâu nay vẫn được xem là "vùng bí mật", "thông tin nhạy cảm". Vì vậy, để tìm hiểu mức thưởng của các nhà băng, phóng viên VnBusiness phải tiếp cận thông qua chính những người trong cuộc, trên mạng xã hội hay các diễn đàn.
Trao đổi với phóng viên chiều ngày 27/1, anh Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên một ngân hàng lớn có trụ sở trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, anh vừa nhận được thông báo thưởng Tết cho nhân viên tại chi nhánh.
“Năm nay, chi nhánh vượt định mức kinh doanh nên thưởng Tết cũng cao hơn năm ngoái, được 6 tháng lương”, anh Hùng nói.
Chiếu theo con số thu nhập trung bình 30 triệu đồng/tháng, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần của anh Hùng có thể lên tới 180 triệu đồng.
Trong khi đó, anh Hoàng Sơn, nhân viên một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 làm việc tại chi nhánh trên đường Bà Triệu cho hay: “Mức thưởng Tết của các thành viên trong chi nhánh năm nay là khoảng 3-5 tháng lương, dĩ nhiên cũng theo mức độ xếp loại, hoàn thành KPI của từng nhân sự”.
Theo thông tin từ giới banker, với những nhân viên lâu năm, hoàn thành chỉ tiêu, mức thưởng Tết dao động từ 100 triệu đến 400 triệu đồng, tuỳ vào quy mô và lợi nhuận của từng ngân hàng.
Có thể nói, thưởng Tết năm nay của các ngân hàng được giữ kín đến phút cuối cùng, nhiều ngân hàng chỉ thông báo cho cán bộ nhân viên trước 1 ngày làm việc trong năm để nhân viên ngân hàng nghỉ Tết Nguyên đán.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho hay, thưởng Tết ngành ngân hàng vốn dĩ vẫn là vấn đề nhạy cảm. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
“Nói thẳng ra ngân hàng cũng là doanh nghiệp, dạng doanh nghiệp đặc biệt, nhất là các ngân hàng tư nhân. Việc họ chia thưởng như thế nào về lý thuyết là quyền của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đưa ra những con số lớn sẽ khiến dư luận “dậy sóng”. Do vậy, việc các ngân hàng giữ kín thông tin cũng không có gì là lạ”, chuyên gia này đánh giá.
Chia sẻ về cách tính thưởng Tết ở ngân hàng mình, giám đốc một ngân hàng tư nhân cho biết: "80% lương cơ bản đã được chia trong năm. 20% còn lại được chia sau khi đã chốt sổ kết quả kinh doanh, phần này còn được gọi là quỹ lương thừa. Quỹ này không bổ đều cho tất cả nhân viên mà sẽ phân chia tuỳ theo hiệu suất kinh doanh của từng chi nhánh và cá nhân".
Giới trong ngành gọi khoản chia từ quỹ lương thừa là "tiền lương theo hiệu suất kinh doanh", nhưng do chi vào dịp quyết toán - cũng dịp cận Tết, nên mọi người thường gọi là thưởng Tết.
Huyền Anh