Các chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, bức tranh lợi nhuận của ngành này trong năm 2017 rất khả quan khi dư nợ tín dụng vẫn còn không gian lớn để bùng nổ.
Đua nhau báo lãi khủng
Trong quý đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.800 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.850 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ hơn 1.820 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng khác cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng đầu năm nay. Tính đến hết quý I, lãi trước thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt mức 2.736 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Mức tăng này cao hơn nhiều so với kế hoạch tăng cả năm là 8%. Lợi nhuận thuần của Vietcombank đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Không chỉ các ngân hàng lớn, những ngân hàng nhỏ cũng có kết quả kinh doanh cải thiện tích cực về con số lợi nhuận. Cuối quý I, thu nhập lãi thuần của BacABank đạt 311 tỷ đồng, tăng 15%; tổng lợi nhuận trước thuế là 142 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, ngân hàng này ghi nhận đạt 114 tỷ đồng.
Tương tự, tại cuộc họp Hội đồng cổ đông (HĐCĐ) thường niên 2017, lãnh đạo ngân hàng ACB tiết lộ, lợi nhuận trước thuế quý I đạt 595 tỷ đồng, tương ứng với thực hiện 27% kế hoạch năm.
Ở các ngân hàng khác, lợi nhuận sau thuế cũng cho thấy những tín hiệu tốt như: Sacombank đạt 210 tỷ đồng; Techcombank ghi nhận 1.059 tỷ đồng; VIB đạt 125 tỷ đồng…
Những kết quả này cũng tương đồng với nhận định tại Báo cáo kết quả điều tra hoạt động kinh doanh hệ thống ngân hàng của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân Hàng Nhà Nước) vừa công bố đầu tháng Tư.
Theo đó, tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý I/2017 và được kỳ vọng cải thiện rõ nét trong cả năm 2017. “89,5% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016, với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,4%, cao hơn so với mức tăng bình quân ước tính của năm 2016. Trong đó, thu nhập ròng từ lãi kỳ vọng tăng 12,7%, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 16,7%, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng thấp (5,25%)”, báo cáo nhận định.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, các TCTD đánh giá rủi ro những nhóm khách hàng được kỳ vọng tiếp tục giảm, nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng được kỳ vọng gia tăng, đặc biệt nhu cầu tín dụng tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, nợ xấu có xu hướng giảm về mức mục tiêu. “Đây sẽ là không gian lớn để dư nợ tín dụng bùng nổ trong thời gian tới”, một chuyên gia tài chính nhận định.
Mùa ĐHCĐ thường niên năm 2017 của ngành ngân hàng vừa kết thúc cho thấy nhiều ngân hàng đang hồ hởi với kết quả kinh doanh quý I và lạc quan đặt mục tiêu lợi nhuận cho cả năm khá cao.
Năm 2017, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 12% (tương đương 9.200 tỷ đồng). Hay như BIDV vừa trình ĐHCĐ mức lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 40 tỷ đồng so với năm 2016, lên mức 7.750 tỷ đồng; Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 10%.
![]() |
90,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016, mức tăng trưởng toàn hệ thống cũng được kỳ vọng tăng 13,4%.
Mục tiêu lãi cao có “quá sức”?
Không kém các “ông lớn”, khối ngân hàng TMCP quy mô vừa và nhỏ cũng đưa ra mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Điển hình là VIB khi đưa ra mức tăng trưởng trên 10% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2016; cổ đông LienVietPostBank thông qua kế hoạch kinh doanh 2017 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng vượt bậc so với năm 2016 như: ngân hàng ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 32%; VPBank đặt mục tiêu tăng 38%. lên mức 6.800 tỷ đồng; MBBank với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 lên tới 4.300 tỷ đồng, tăng gần 18%.
Trên thực tế, khi nhìn vào mục tiêu lợi nhuận của không ít ngân hàng và so sánh với những khó khăn còn tồn đọng, nhất là vấn đề nợ xấu và lộ trình tái cơ cấu còn nhiều ngổn ngang, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại cho kế hoạch của các ngân hàng liệu có đạt được.
Song, đứng trên phương diện của các TCTD, tâm lý chung vẫn lạc quan khi cho rằng thanh khoản của hệ thống tiếp tục diễn biến được duy trì tốt là cơ sở cho việc ổn định lãi suất huy động, ổn định chi phí vốn đầu vào và tạo nguồn lực xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng trong thời gian tới.
Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê cho thấy, tới 90,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016, mức tăng trưởng toàn hệ thống cũng được kỳ vọng tăng hơn nhiều so với cuộc điều tra trước đó (kỳ vọng tăng 13,4%).
Còn theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2017 là một năm khó khăn và nhiều thử thách với nền kinh tế Việt Nam, lạm phát có nguy cơ gia tăng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn khá lớn. Vì vậy, lợi nhuận ngân hàng cao chưa hẳn đã tốt, bởi quan trọng là lợi nhuận thực sự, lợi nhuận bền vững.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, Ts. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị: “Các ngân hàng cần ‘lựa cơm gắp mắm’, cần phải thay đổi tư duy lợi nhuận, đừng quá trông chờ vào tín dụng. Ngân hàng cần đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ – mảnh đất có rủi ro thấp để mang lại lợi nhuận bền vững”.
Huyền Anh