Tại Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” tổ chức ngày 21/5, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, cho biết chỉ mới có hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan là 10%, Malaysia: 21%, Trung Quốc: 21%, Singapore: 49%... Do đó, thị trường thẻ tín dụng Việt Nam còn rất tiềm năng.
Độ phủ thẻ tín dụng nội địa còn quá thấp
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin, đến hết tháng 3/2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ (tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023), với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế. Trong đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng mạnh về số lượng và giá trị. Theo đó có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa, với trên 904,7 nghìn thẻ đang lưu hành (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Số thẻ tín dụng nội địa mới chỉ bằng 8% thẻ tín dụng quốc tế và bằng 0,6% thẻ toàn thị trường. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), dù doanh số thẻ tín dụng nội địa năm 2023 tăng trưởng hơn 234% so với cùng kỳ, song mới chiếm 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.
PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam phân tích, thường số loại thẻ tín dụng nội địa phát hành tại các ngân hàng thương mại chỉ chiếm 1/6 - 1/10 so với số loại thẻ tín dụng quốc tế được phát hành.
"Hiện nay, giá, phí thẻ tín dụng nội địa và quốc tế không có nhiều chênh lệch, đặc biệt là khi so sánh các đặc quyền, tiện ích vượt trội của thẻ tín dụng quốc tế so với thẻ tín dụng nội địa", ông Đức nói.
Theo các chuyên gia, phí và lãi suất không phải là rào cản với thẻ tín dụng nội địa, vì giá và phí của thẻ tín dụng nội địa ít và thấp hơn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Thống kê từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm, MasterCard và Visa thu từ một ngân hàng Việt Nam khoảng 270 loại phí, trong khi số loại phí của thẻ tín dụng nội địa thấp hơn nhiều.
Phí duy trì thường niên của thẻ tín dụng quốc tế dao động từ 299.000 đồng đến 2 triệu đồng cho nhóm thẻ phổ thông, và có thể lên tới hàng chục triệu đồng cho nhóm thẻ ưu tiên. Trong khi đó, phí thường niên của thẻ tín dụng nội địa thường dao động từ 150.000 - 300.000 đồng cho các hạng thẻ khác nhau.
Các chi phí để sử dụng dịch vụ, sản phẩm của thẻ tín dụng nội địa cũng ít hơn so với thẻ tín dụng quốc tế. Phí chi tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng quốc tế dao động từ 2% - 4% trên số tiền vượt hạn mức, thì đối với thẻ tín dụng nội địa chỉ rơi vào khoảng 0,075%. Phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng nội địa là 1%, so với mức trung bình của thẻ tín dụng quốc tế là 3%.
Cần thiết có cơ chế ưu đãi
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn là yếu tố về tâm lý người tiêu dùng, yếu tố chi phí cơ hội, chi phí tài chính...
Đứng ở góc độ một ngân hàng phát hành thẻ, ông Nguyễn Tấn Pháp, Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đánh giá việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa có lợi ích to lớn đối với khách hàng, các ngân hàng và nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, phát triển thẻ tín dụng nội địa chưa khả quan do vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.
“Mới có 15 ngân hàng tham gia cung cấp thẻ, chưa có nhiều các chương trình khuyến mại, ưu đãi. Do đó, thẻ tín dụng nội địa khó cạnh tranh được với thẻ tín dụng quốc tế và tâm lý của người dùng ưa chuộng dùng thẻ quốc tế hơn nội địa”, ông Pháp nói.
Các chuyên gia cho rằng hiện nay, nước ta có hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.
Do đó, đại diện VietinBank kiến nghị cần có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các ngân hàng và tổ chức chuyển mạch sẽ là động lực giúp các ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. tổ chức tín dụng được hỗ trợ nguồn ngân sách từ NAPAS để triển khai các chương trình ưu đãi với khách hàng.
Đồng thời, Chính phủ và NHNN có kế hoạch đẩy mạnh thực hiện triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ đối với công tác xác thực khách hàng trong cấp tín dụng, phát hành và quản lý thẻ
Ngoài ra, theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, để gia tăng sử dụng thẻ tín dụng nội bộ của các ngân hàng thương mại một cách ổn định và thực sự có ý nghĩa, bên cạnh việc giảm thiểu các loại phí và khuyến khích người tiêu dùng, các ngân hàng thương mại cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các giải pháp công nghệ và áp dụng Fintech để giảm thiểu cả chi phí tài chính, chi phí cơ hội và chi phí giao dịch cho người sử dụng thẻ.
Một điều quan trọng cần được coi là chiến lược trong dài hạn là phải củng cố và nâng cao uy tín của mỗi ngân hàng thương mại để thẻ phát hành ra có thể sẽ được chấp nhận thanh toán ngoài Việt Nam, trở thành thẻ quốc tế. Chỉ có như vậy, người tiêu dùng sử dụng thẻ do các ngân hàng thương mại Việt Nam phát hành mới có được những tiện ích như sử dụng thẻ tín dụng quốc tế.
Huyền Anh