Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Tp.HCM, cho biết: Đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối về khu vực Tp.HCM ước đạt 3,25 tỷ USD, cả năm 2015 dự kiến đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Lượng kiều hối về Tp.HCM có thể đạt tới 50% của cả nước.
Kiều hối chảy vào sản xuất
Theo thống kê, lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, nơi có nhiều bà con kiều bào sinh sống. Một số thị trường khác có kinh tế đang hồi phục mà Việt Nam xuất khẩu lao động cũng đóng góp rất lớn.
Đáng chú ý là thị trường Nhật Bản và Malaysia có nguồn tiền từ kiều bào và lượng xuất khẩu lao động của Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, khi thị trường BĐS được dự báo sẽ ấm dần lên, việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam đã thúc đẩy lượng kiều hối tăng.
Thực tế, nguồn kiều hối về Việt Nam có tỷ trọng lớn chuyển vào các kênh đầu tư và cả sản xuất, kinh doanh, BĐS, chứng khoán. Theo nhận định của các chuyên gia tài chính tiền tệ, một khi thị trường BĐS ấm lên, kỳ vọng kiều hối về Việt Nam vào lĩnh vực này cũng sẽ khởi sắc.
Như vậy, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đây là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau vốn viện trợ phát triển chính thức ODA.
![]() |
Nguồn kiều hối chủ yếu gửi về Việt Nam cho thân nhân đầu tư sản xuất kinh doanh và chảy vào bất động sản
Cơ chế gửi và nhận kiều hối hiện nay khá thông thoáng mà không phải chịu nhiều thuế, chi phí. Hơn nữa, chênh lệch tỷ giá đã được điều chỉnh ở mức cao nên lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn tăng.
Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm trên 70,6% trong tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản (BĐS) chiếm khoảng 20,7%. Phần còn lại hỗ trợ cho người thân trong việc chữa bệnh, du lịch… chiếm khoảng 6-7% trong tổng kiều hối chuyển về. Cho nên, lãnh đạo NHNN khẳng định, việc giảm lãi suất USD xuống mức thấp thì nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, việc duy trì lượng kiều hối là điều kiện bắt buộc trong quá trình sử dụng vốn. Vì vậy, khi lãi suất giảm sâu, vị thế tiền đồng sẽ tăng cao, nên nhiều tổ chức cá nhân có ngoại tệ có thể mạnh dạn chuyển đổi sang tiền đồng để gửi ngân hàng hoặc đầu tư BĐS.
Một số người kỳ vọng tỷ giá có thể tiếp tục tăng trong năm tới để hưởng chênh lệch nên vẫn còn tình trạng găm giữ USD. Thực tế, với biểu lãi suất ngoại tệ mới, chênh lệch giữa lãi suất huy động VNĐ và USD càng lớn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài.
Thời điểm đầu áp dụng chính sách giảm sâu lãi suất tiền gửi USD đã có những sự dịch chuyển rất lớn về hành vi người gửi tiền. Các NHTM báo cáo, tình trạng găm giữ ngoại tệ của những tổ chức lớn không còn. Lượng ngoại tệ doanh nghiệp bán cho ngân hàng đã tăng cao. Các doanh nghiệp, cá nhân có lượng USD đã bán để chuyển qua gửi tiết kiệm VNĐ tăng mạnh.
Việc hạ lãi suất huy động USD cũng sẽ có tác động đối với lượng kiều hối. Động thái này có thể làm tổn thương cho kiều hối khi lãi suất tiền gửi USD ở Việt Nam không khác mấy so với các nước khác.
Ổn định nền kinh tế
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích: "Việc giảm lãi suất huy động USD về 0% của NHNN không phải nhằm mục đích nới lỏng tiền tệ. Bởi vì cho vay ngoại tệ chỉ chiếm 10-11% trong tổng tín dụng cũng như tổng tiền gửi, cho nên hạ lãi suất USD cũng không tác động nhiều đến tín dụng chung của cả hệ thống".
Các tổ chức kinh tế, DN vẫn có xu hướng "găm" đồng tiền này trong tài khoản, để chuẩn bị nguồn thanh toán khi đến kỳ hạn và để đề phòng rủi ro tỷ giá. Trên thực tế, lãi suất tiền gửi bằng USD với tổ chức cũng đã ở mức rất thấp, nhưng các tổ chức, DN này vẫn gửi tiền.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất USD cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, như chảy máu ngoại tệ, giảm huy động vốn bằng ngoại tệ. Các ngân hàng có nhiều kênh huy động vốn ngoại tệ từ nước ngoài, chứ không chỉ phụ thuộc nguồn huy động ngoại tệ trong nước, nên thời gian tới, nguồn cung USD vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của DN và người dân…
Theo NHNN, quyết định này nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ để góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.
Bên cạnh đó, NHNN cũng nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Lê Thuận