Theo giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn trước cuộc họp sắp tới của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tính chung trên cả hai kênh tín phiếu và cầm cố giấy tờ có giá (OMO), nhà điều hành đã hút khỏi hệ thống ngân hàng 50.100 tỷ đồng trong tuần qua. Trước đó, cơ quan này cũng đã rút về lần lượt 30.178 tỷ và 142.413 tỷ trong 2 tuần trước, qua đó nâng tổng mức hút ròng kể từ đầu tháng 2 lên tới 189.228 tỷ đồng.
So với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022, mức lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng của các ngân hàng đã giảm đáng kể. |
Phản ứng sau hoạt động hút thanh khoản mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND liên ngân hàng đã bật tăng mạnh. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng giao dịch quanh mức 6,02%, tăng 1,35 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tăng 1,24 - 1,04 điểm phần trăm, riêng lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng 0,57 điểm phần trăm.
Trong khi đó, tại thị trường 1, so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022, mức lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng của các ngân hàng đã giảm đáng kể. Những ngân hàng từng niêm yết lãi suất từ 10,5%/năm hồi cuối năm 2022 như Saigonbank, SCB... cũng đã điều chỉnh giảm trên dưới 1%/năm, đưa lãi suất về ngang với mặt bằng chung của thị trường, quanh mốc 9,5%/năm. Một số ngân hàng như Techcombank, Sacombank, SHB… đã giảm lãi suất xuống dưới 9%/năm.
Kể từ giữa tháng 2 đến nay các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiết kiệm. Điển hình như: Techcombank giảm mạnh lãi suất kể từ ngày 18/2. Lãi suất cao nhất giảm từ 9,2% xuống còn 8,7% (tương đương mức giảm 0,5%) ở kỳ hạn 24 tháng. GPBank giảm từ 10% còn 9,2% kể từ ngày 14.2.2023. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm từ 9,5% xuống 9,1%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm từ 9,3% xuống 8,9%.
Từ ngày 14.2, Sacombank giảm mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất giảm từ 9,25% xuống 8,8%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi từ 8,9% xuống 8,6%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi từ 8,5% xuống 8,2%.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, dù vẫn còn nhiều áp lực, song mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ tạo đỉnh trong nửa đầu năm 2023 rồi dần “giảm nhiệt”, qua đó giảm áp lực lên lãi suất cho vay. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng, mức hạ lãi suất trong nước thời gian tới có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các ngân hàng muốn hạ lãi suất phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thanh khoản, lạm phát…
Thực tế, việc giảm lãi suất cho vay đến nay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng sản phẩm được thiết kế riêng cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể và phần lớn là kỳ hạn ngắn. Đối với các khoản vay kỳ hạn dài hơn, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất cao như kỳ hạn 6 tháng sẽ ở mức 10-10,5%/năm, trên 12 tháng sẽ ở mức 11-12%/năm. Trong khi đó, doanh nghiệp kỳ vọng mức lãi suất khoảng 9%/năm với thời hạn 6-12 tháng để ổn định sản xuất.
Các chuyên gia tính toán, trong thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn ở mức dưới 4%. Thông thường, các ngân hàng sẽ tính thêm 2% là biên độ lợi nhuận cho khách hàng gửi, nghĩa là lãi suất huy động ở mức 6%/năm, và biên độ lợi nhuận cho ngân hàng là 3%, lãi suất cho vay 9%/năm sẽ là phù hợp.
T.H