Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh lãi suất điều hành sẽ tác động tới các chỉ số như “room” tín dụng (ảnh hưởng tới cung tiền); mặt bằng lãi suất tiền gửi - cho vay; tỷ giá hối đoái và các chính sách hỗ trợ lãi suất phục hồi kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng
Kể từ ngày 25/10, lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5% lên 1%/năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6%/năm. Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5% lên 6,5%/năm.
Như vậy, chỉ trong 2 lần điều chỉnh trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hiện nay đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm năm 2014.
Dự báo lãi suất đầu vào - đầu ra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. |
Việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Trần huy động được nâng lên cho phép các nhà băng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Đây là thời điểm lý tưởng cho người gửi tiền, bởi lãi suất vẫn đang có xu hướng nhích lên. Đồng thời, các nhà băng cũng áp dụng nhiều ưu đãi cộng thêm lãi suất giúp khách hàng hưởng lợi nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của giới nhà băng, qua đó có thể khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay, tăng theo.
Tính tới nay, mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân lên mức 13% và doanh nghiệp tầm 9%, đã tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát, tỷ giá và định hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới.
Còn theo phân tích của chuyên gia VNDirect, khi quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành, NHNN phải sử dụng hạn mức tín dụng như một công cụ để kiềm chế lạm phát, bằng cách hạn chế lượng tín dụng tối đa mà các tổ chức tài chính có thể cung cấp. VNDirect cho rằng, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14%, ít có khả năng nới thêm. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới cung tiền của nền kinh tế, từ đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.
“Lúc này, ngân hàng là người lựa chọn khách hàng. Họ sẽ lựa chọn những khách hàng nào làm ăn lâu dài, có uy tín, có mối quan hệ tốt với ngân hàng, có khả năng trả nợ tốt thì mới cho vay. Còn những khách hàng nhỏ lẻ, mới vay ngân hàng sẽ bị hạn chế tiếp cận”, ông Hinh nói.
Cần sự chia sẻ giữa 3 bên
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cơ sở của tăng lãi suất là lạm phát. Nếu lạm phát không tăng nhiều, thì lãi suất có thể tăng nhưng liều lượng chỉ vừa phải.
Tất nhiên, chưa thể nói trước điều gì. Song chắc chắn, lãi suất cho vay tăng nhanh, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ đội lên, hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó và nguy cơ nợ xấu cũng tăng lên. Giai đoạn 2008 và 2009, toàn nền kinh tế đã phải trả giá khi lãi suất cho vay tăng cao kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng đột biến giai đoạn năm 2012 và những năm sau đó.
“Dĩ nhiên, nước lên thì thuyền lên, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay không thể đứng im. Song, các ngân hàng cố gắng để mặt bằng lãi suất cho vay không quá cao, hỗ trợ doanh nghiệp cũng là để bảo vệ cho sự an toàn của chính mình. Thực tế, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ người vay. Tôi tin rằng, hệ thống sẽ có cách để mặt bằng lãi vay không bị tăng quá nhiều thời gian tới”, ông Phước nói.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp như: áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng… để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phước khuyến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng để tạo sức lan tỏa, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Bên cạnh đó, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…) thời gian qua nảy sinh một số vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời. Cần tạo ra một thị trường thông suốt, công khai minh bạch để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp.
"Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân", ông Phước nhấn mạnh.
Huyền Anh