Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhóm các ngân hàng sở hữu công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ nợ xấu cũng như nợ nhóm 2 hiện vẫn đang trong xu hướng tăng.
Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu không có nhiều cải thiện (trừ MB). Vì vậy, việc tăng lãi suất để huy động vốn trong nhóm các ngân hàng này có thể sẽ "lên cơn" ở từng thời điểm.
Cao nhất lên gần 10%
Gần cuối năm, cuộc đua lãi suất huy động trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi mức lãi suất huy động cao nhất đã lên mức 8,6%, còn huy động qua hình thức trái phiếu đầu tư có mức lãi cao nhất là 9,8%.
Không giống như những đợt tăng lãi suất trước đó chỉ 0,1% – 0,2%, thời gian này, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động thêm 0,3%/ năm. Điển hình là MB vừa tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng thêm 0,3%/năm.
Theo đó, MB tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 4,7%/năm, 3 tháng lên 5,3%/năm, 6 và 9 tháng lên 6%/năm, tăng 0,1-0,2% so với biểu lãi suất cũ.
Tại ACB, khách hàng gửi kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 6,1%/năm, tăng 0,2% so với trước.
Tương tự, gửi tiết kiệm ở VPBank các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất tăng vọt lên 7,2%/năm. Các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên có lãi suất cao nhất là 7,5%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng có mức lãi suất vượt trội như: SCB vừa tung ra sản phẩm tiết kiệm đắc lộc tài, kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất lên đến 8,39%/năm, 9-11 tháng lãi suất 8,54%/ năm, 12 tháng lãi suất 8,59%/năm. Còn Viet Capital Bank hiện cũng đang áp dụng lãi suất huy động VND ở mức 8,6%/ năm với kỳ hạn 24 tháng trở lên, từ 12 tháng trở lên là trên 8%/năm.
Bên cạnh tăng lãi suất hút tiền gửi, phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2 cũng rất sôi động ở nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, ACB, HDBank, VIB, MB… và chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn với mức lãi suất cũng tăng mạnh lên đến 9,8%/năm.
Ngoài ra, hiện nay, các ngân hàng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà, thậm chí cộng lãi suất theo số tuổi hoặc cộng lãi cho khách hàng từ 40 tuổi trở lên.
Gần cuối năm, cuộc đua lãi suất huy động trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi mức lãi suất huy động cao nhất đã lên mức 8,6%, còn huy động qua hình thức trái phiếu đầu tư có mức lãi cao nhất là 9,8%. |
Còn nhiều "nút thắt"
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, trong số các ngân hàng tăng lãi suất huy động trên, có một số ngân hàng đã hết hạn mức cho vay năm 2018. Vậy, vì sao các ngân hàng vẫn chạy đua huy động vốn?
Xét về mặt thị trường, lãi suất đồng USD hiện đã được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng đều trong thời gian qua, nên việc các đồng tiền khác phải tăng lãi suất là không tránh khỏi, trong đó có VND.
Chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND khiến nhiều người rút tiền VND mua USD chờ tăng giá để bán kiếm lời, việc tăng lãi suất cũng là một cách giữ chân khách hàng để không bị xáo trộn về nguồn vốn.
Chưa kể, năm tài chính 2018 sắp kết thúc, các ngân hàng phải chạy đua huy động nhằm chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn cho vay khi có "room" tín dụng vào đầu năm 2019.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo các chuyên gia, "nút thắt" cơ bản khiến lãi suất có xu hướng gia tăng thời gian qua bao gồm: đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% từ năm 2019.
Việc tăng phát hành trái phiếu dài hạn tăng vốn cấp 2 cũng nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vốn (CAR), chuẩn mực Basel II và bổ sung nguồn vốn đang bị thiếu hụt do nợ xấu ở mức cao.
Trao đổi với phóng viên, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, phân tích: dù thời hạn áp dụng hệ số CAR còn một năm nữa, nhưng thực tế nhiều ngân hàng vẫn khó đạt được tỷ lệ 8% theo quy định của NHNN do việc gọi vốn từ các nhà đầu tư vẫn còn nhiều rào cản về chính sách.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo lắng nhiều khả năng nợ xấu mới là nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động bị đội thêm hơn 0,3% so với mặt bằng hồi đầu năm. Khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng thương mại không chỉ không thu hồi được nguồn vốn đã cho vay mà trở thành nợ xấu, đồng tiền này không quay lại ngân hàng nữa.
Để tiếp tục hoạt động kinh doanh, ngoài việc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo thanh khoản, giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ, thậm chí để đảo nợ…, các nhà băng này còn phải huy động vốn để phát triển kinh doanh.
"Vì thế, ngân hàng nào nợ xấu càng cao thì lãi suất huy động cũng cao", một chuyên gia nhận định.
Trong một báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì quanh mức hiện tại đến cuối Tết âm lịch do quy định về vốn ngắn hạn sắp đi vào hiệu lực trong năm 2019, đồng thời nhu cầu tín dụng lớn cuối năm cũng tạo sức ép đẩy lãi suất tăng cao.
Hoàng Hà