Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 48 về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực tử ngày 20/11.
Theo đó, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, tổ chức tín dụng sẽ quyết định lãi suất dựa trên yếu tố cung và cầu vốn trên thị trường. Khi tính lãi suất tối đa cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam, ngân hàng phải tính cả những phần thưởng, quà tặng đưa cho khách hàng.
Cách tính lãi nào cũng sẽ được quy đổi về hình thức trả lãi một lần vào cuối kỳ hạn. Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại các điểm giao dịch và trên trang web chính thức của mình.
Đặc biệt, Thông tư nêu: Tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Từ ngày 20/11, tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật. |
Đối với các thỏa thuận lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, khách hàng không đến lĩnh tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư này.
Thời gian qua, để thu hút tiền gửi, nhiều ngân hàng có chính sách ưu đãi lãi suất tuỳ theo lượng tiền gửi của khách hàng và "hạng" khách hàng ưu tiên, mỗi chi nhánh sẽ có chính sách ưu đãi lãi suất riêng nên lãi suất thực tế và lãi suất công bố có thể chênh lệch rất cao.
Theo ghi nhận của VnBusiness, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại niêm yết các mức lãi suất đặc biệt dao động trong khoảng 6,0-9,5%/năm với các điều kiện tiền gửi khác nhau.
Cao nhất thị trường là lãi suất 9,5%/năm được niêm yết tại PVcomBank: Khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất đặc biệt này khi có số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Trong khi đó, mức lãi suất thông thường được PVcomBank niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 5,1%/năm và kỳ hạn 18 tháng là 5,8%/năm.
Tương tự, HDBank đang áp dụng mức lãi suất "không chính thức" cao hơn tại bảng niêm yết. Cụ thể, ở kỳ hạn 12 tháng, HDBank có mức lãi suất đặc biệt lên đến 7,7%/năm và 8,1%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho các khoản tiết kiệm tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên/thẻ tiết kiệm, không áp dụng huy động hình thức lãi đầu kỳ, lãi định kỳ. Trong khi mức lãi suất thông thường đang được HDBank niêm yết công khai cho kỳ hạn 12 và 18 tháng lần lượt là 5,5% và 6,1%.
Dong A Bank đang niêm yết mức lãi suất đặc biệt 7,5%/năm với khách hàng gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên, cho khung 365 ngày/năm. Mức lãi suất này cao hơn 1,8%/năm so với mức lãi suất thông thường đang niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 5,8%.
MSB đang áp dụng lãi suất đặc biệt 7,0%/năm với khách hàng có sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1/1/2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng. Mức lãi suất này cao hơn 1,6% so với lãi suất thông thường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7, tiền gửi của các doanh nghiệp và tổ chức vào ngân hàng đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, giảm 1,07% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, lượng tiền của người dân gửi vào hệ thống ngân hàng đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,68%.
Thanh Hoa